Tên lửa hoạt động như thế nào? Sau đây là lời giải thích siêu đơn giản dành cho bạn
Tên lửa thì chắc là ai cũng biết rồi, nhưng nó hoạt động như thế nào thì bạn đã biết chưa? Sau đây là bài viết siêu đơn giản về nguyên lý hoạt động của tên lửa, hy vọng có thể giúp các bạn hiểu cơ bản về nó một cách nhanh chóng nhất.
Bằng cách xả khí ra phía sau với tốc độ cực nhanh, tên lửa tiến về phía trước
Khi bạn thả một cái bong bóng được bơm căng thì nó sẽ phụt ra một dòng khí về phía sau và bay về phía trước. Chúng ta có thể giải thích hiện tượng này thông qua định luật thứ 3 về chuyển động của Newton, rằng “Khi một vật tác dụng lực lên vật thể thứ hai, vật thứ hai sẽ tác dụng một lực cùng độ lớn và ngược chiều về phía vật thứ nhất”. Cái bong bóng đã tác động một lực lên không khí bên trong nó và đẩy không khí về phía sau, đồng thời lượng không khí đó cũng tác động lên cái bong bóng một lực đẩy nó về phía trước.
Nhiên liệu tên lửa khi được đốt cháy sẽ hóa khí và giãn nở mạnh mẽ dưới nhiệt độ rất cao. Khi hướng lượng khí khổng lồ này ra phía sau với tốc độ rất lớn bằng một cái loa phụt, bản thân quả tên lửa sẽ nhận lại được một lực đẩy tương ứng về hướng ngược lại theo định luật III Newton.
Về cơ bản thì đó là cách mà động cơ tên lửa hoạt động. Tuy nhiên đi sâu hơn một chút thì tùy theo việc nhiên liệu ở thể rắn hay thể lỏng mà cấu tạo và cách thức hoạt động của quả tên lửa cũng sẽ khá là khác nhau. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.
Phân biệt tên lửa nhiên liệu rắn và tên lửa nhiên liệu lỏng
Tên lửa nhiên rắn đốt cháy khối nhiên liệu trong thân và định hướng luồng khí xả để tạo lực đẩy
Tên lửa nhiên liệu rắn về căn bản là một cái ống chứa đầy một (hoặc một vài) loại chất cháy, có thêm chất oxy hóa để tự duy trì sự cháy mà không cần nguồn oxy bên ngoài. Nó được bít một đầu và xả khí thải ra đầu còn lại. Do ưu điểm là rẻ, đơn giản và dễ sản xuất nên tên lửa nhiên liệu rắn được ứng dụng khá nhiều, từ mấy quả pháo thăng thiên cho đến những quả rocket. Tuy nhiên do nhược điểm là không bật tắt hay điều chỉnh lực đẩy được nên tên lửa nhiên liệu rắn thường không được dùng cho mục đích cần sự chính xác, tinh vi.
Tên lửa nhiên liệu lỏng phối trộn nhiên liệu trong buồng đốt và định hướng luồng khí xả để tạo lực đẩy
Tên lửa nhiên liệu lỏng thì có cấu tạo phức tạp hơn. Nó có những bộ phận chính bao gồm bình nhiên liệu, bình oxy và khối động cơ tên lửa. Nhiên liệu và oxy sẽ được hòa trộn và đốt cháy trong buồng đốt của động cơ, sau đó khí sẽ được phụt ra ngoài theo đường loa phụt để tạo lực đẩy. Do có thể bật, tắt và điều chỉnh lực đẩy nên tên lửa nhiên liệu lỏng được ứng dụng nhiều trong công nghệ tên lửa đẩy tàu vũ trụ, máy bay động cơ tên lửa, tên lửa liên lục địa, tên lửa phòng không, vân vân. Nhược điểm là loại tên lửa này đắt đỏ hơn tên lửa nhiên liệu rắn rất nhiều.
Tên lửa lai dùng oxy lỏng để duy trì sự cháy của khối nhiên liệt rắn
Ngoài ra còn có một loại tên lửa nữa lai giữa tên lửa nhiên liệu rắn và tên lửa nhiên liệu lỏng. Nó vẫn dùng nhiên liệu rắn nhưng có bình oxy riêng để cung cấp oxy cho sự cháy. Nó đỡ phức tạp và đắt đỏ hơn so với tên lửa nhiên liệu lỏng nhưng dễ kiểm soát hơn tên lửa nhiên liệu rắn.
Trên đây là bài viết giải thích về nguyên lý hoạt động của động cơ tên lửa và 2 loại tên lửa cơ bản nhất, hy vọng đã mang đến cho các bạn những thông tin thú vị. Cảm ơn các bạn vì đã quan tâm theo dõi và chúc các bạn có một ngày tốt lành.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Vì sao tên lửa vũ trụ thường có nhiều tầng?
- Tìm hiểu về pulsejet – loại động cơ phản lực đơn giản như một cái ống pô
- Động cơ phản lực trên máy bay hoạt động như thế nào?
Tham khảo: SienceLearn, Wikipedia – Rocket Engine