Theo lý thuyết, nếu không vì màu xanh dương thì màn hình OLED có thể bền tới hơn 100 năm
Nếu con người không thể nhìn thấy màu xanh dương thì màn hình OLED giờ đã cực bền luôn rồi.
Tại sự kiện Display Week diễn ra tại Los Angeles, các giáo sư Stephen R. Forrest và Chris Giebink của Đại học University of Michigan cho biết Vì các bóng OLED màu xanh dương có tuổi thọ ngắn, cho nên nếu con người không nhìn được màu xanh dương thì màn hình OLED đã bền tới hơn 100 năm (khoảng 1.000.000 giờ). Nhưng vì công nghệ OLED chỉ tồn tại mới có hơn 35 năm thôi, cho nên những con số này đều dựa trên các bài test về tuổi thọ.
Khi Sony xài màn hình OLED màu xanh lá cây cho cái máy Walkman 20 năm trước, không nhiều người nghĩ rằng đến bây giờ nó vẫn còn hoạt động, vậy mà màn hình của những cái máy này tới ngày nay vẫn hiển thị ngon lành là đằng khác.
Tuy nhiên, chỉ có màn hình xanh lá cây hoặc đỏ mới phù hợp trong những trường hợp đặc biệt như thế. Chứ còn mà trong những màn hình bình thường thì chúng ta sẽ cần thêm bóng màu xanh dương, và sau tận 35 năm kể từ khi công nghệ OLED xuất hiện thì vấn đề cố hữu này vẫn chưa có cách giải quyết triệt để, mặc dù tuổi thọ của nó cũng đã được cải thiện kha khá rồi.
Tuổi thọ của tấm nền được cải thiện nhờ vào nhiều thủ thuật khác nhau. Riêng đối với những pixel màu xanh dương thì để nó sống lâu, nó cần phải được làm mát. Nhằm đạt được điều này, diện tích bề mặt (surface area) đã được tăng lên và độ sáng đã được giảm xuống tương ứng với diện tích bề mặt. Vì thế nên những bóng OLED khác (ví dụ như màu xanh lá cây) có thể có kích thước vô cùng nhỏ và cực kỳ sáng. Theo Forrest, bóng OLED màu xanh lá cây trên điện thoại iPhone có thể sáng đến khoảng 10.000 cd/m2. Để so sánh thì màn hình iPhone Pro sáng nhất cũng chỉ tầm 1600 trong chế độ HDR và 2000 khi ở ngoài trời mà thôi.
Độ sáng sẽ làm giảm tuổi thọ của bóng OLED
Các nhà nghiên cứu có chia sẻ chi tiết về vụ độ sáng trong 1 slide thuyết trình. Một tấm PHOLED trắng (phosphorescent/PH) có độ sáng 1000 cd/m2 có độ bền khoảng 30.000 giờ ở giá trị LT70 (70% độ sáng sau một khoảng thời gian nhất định), và điều này vô cùng quan trọng đối với ngành công nghệ. Sau khoảng thời gian đó thì bóng OLED sẽ không bị hỏng, nhưng nó sẽ tối đi rất nhiều. 30.000 giờ tương đương khoảng 3,5 năm sử dụng liên tục. Đối với đèn phòng thì con số này không lý tưởng cho lắm, nhưng đối với màn hình thì sẽ vừa đủ, do màn hình không phải lúc nào cũng bật liên tục (trừ những trường hợp như màn hình digital signage chẳng hạn).
Khi tăng gấp 3 lần độ sáng thì độ bền sẽ giảm đi đáng kể. Giá trị LT70 sẽ rớt còn 4000 giờ, và điều này cũng lý giải cho chuyện vì sao màn hình OLED hồi trước thường sẽ tối hơn so với màn hình LED truyền thống. Tuy nhiên, nó không nhất thiết phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, vì bản thân độ sáng thôi vẫn chưa đủ để làm giảm tuổi thọ của bóng OLED đến như thế.
OLED có thể sáng chói trong thời gian ngắn
Giebink cho biết OLED khá là “vui vẻ” khi nó sáng rực rỡ. 1.000.000 cd/m2 không phải là vấn đề đối với OLED, nếu khoảng thời gian nó sáng ở mức độ đó là 1 micro giây. Tuy nhiên, sau đó, nó sẽ cần “nghỉ xả hơi” trong 100 micro giây. Nếu không cho nó nghỉ thì nó sẽ… “bể bóng”.
Vì thế cho nên tuổi thọ của OLED, nhất là bóng OLED màu xanh dương, vẫn là vấn đề. Nhưng hiện tại đã có nhiều cách khác nhau để tăng tuổi thọ của OLED. Một trong những cách đó là sử dụng các linh kiện OLED xếp chồng theo chiều dọc. Phương pháp này giúp chia tải cho nhiều linh kiện hơn, giúp tăng độ bền lên đến hơn 3 lần khi xài 2 linh kiện xếp chồng lên nhau. Hai nhà khoa học trên cho biết quá trình nghiên cứu đã diễn ra trong hàng chục năm qua rồi, nhưng tới giờ thì công nghệ này mới dần trở thành hiện thực.
OLED vẫn cần thời gian để phát triển và hoàn thiện thêm
Bài nghiên cứu còn tìm hiểu nguyên nhân vì sao bóng OLED màu xanh dương lại đoản thọ đến như vậy ở mức độ phân tử. Forrest và Giebink hi vọng rằng họ sẽ tìm được giải pháp trong tương lai gần. Có 2 phản ứng ảnh hưởng đến độ sáng của bóng OLED màu xanh dương. Còn đối với màu đỏ và màu xanh lá cây thì các phản ứng đó tính ra cũng chẳng ảnh hưởng gì mấy, do độ bền của nó đã quá cao rồi.
Có thể thấy công nghệ OLED hiện tại vẫn chưa thật sự chín muồi và cần phải nghiên cứu thêm để hoàn thiện nó. Vả lại, điều tương tự cũng đã từng xảy ra đối với công nghệ LCD 20 năm về trước – thứ vốn từng bị tai tiếng về vụ màu sắc rất tệ và bị sọc khi hiển thị nội dung chuyển động, nhưng rồi cũng dần chiếm được thiện cảm của người dùng.
Hi vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu thêm về màn hình OLED. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm.
Để quẹo lựa các mẫu màn hình hiện có trên thị trường với mức giá hấp dẫn, các bạn có thể xem thêm tại đây nhé.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Samsung Odyssey G8 LS34BG850: Màn hình gaming cong chất lượng cao, OLED, 2K@175Hz, giá 40 triệu
- ASUS ROG Swift PG27AQDM – Màn hình gaming OLED 2K@240Hz tối thượng cho game thủ leo top, giá 30 triệu
- Samsung LS34BG850 – Đỉnh cao của màn hình gaming OLED với tốc độ phản hồi chỉ 0,1ms, giá 32 triệu
- Đây là lý do vì sao thế hệ màn hình gaming OLED đầu tiên vẫn chưa thật sự tối ưu cho PC
- Màn OLED bền hơn xưa như nào mà các hãng tự tin lắp lên laptop? Đây là câu trả lời cho bạn
- Hướng dẫn kiểm tra điện thoại của bạn có dùng màn hình Samsung OLED xịn sò hay không
Nguồn: Notebook Check
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!