Top 10 tựa game ma cà rồng xuất sắc nhất mọi thời đại
Ma cà rồng (vampires) đã xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông từ rất lâu rồi, và trong đó có cả game. Vì nó có tiềm năng gần như là vô tận nên các nhà phát triển đã liên tục khai thác đề tài ma cà rồng và biến tấu nó thành nhiều thể loại game khác nhau. Mặt khác, game thủ cũng rất thích thú với cảm giác đối đầu hoặc hóa thân vào một nhân vật vừa mạnh vừa nham hiểm như ma cà rồng. Sau đây là danh sách 10 tựa game ma cà rồng hay nhất mọi thời đại.
Vampire The Masquerade: Bloodlines
Nói đến game ma cà rồng là không thể không nhắc đến Vampire The Masquerade: Bloodlines. Mặc dù khâu phát triển game có nhiều vấn đề, Bloodlines là một trong những tựa game nhìn bề ngoài không có vẻ gì là hay ho nhưng bên trong lại ẩn chứa những thứ vô cùng quý giá. Thứ giúp tựa game này có mặt trong danh sách chính là các yếu tố nhập vai được lồng ghép vào mọi khía cạnh trong game. Từ màn hình tạo nhân vật cực kì đa dạng cho đến hàng tá sự lựa chọn khi anh em đối thoại với một ai đó, chưa kể game còn khuyến khích anh em khám phá nhiều lối chơi khác nhau nữa, nói chung là nội dung cực kì phong phú anh em ạ.
Chất lượng đồ họa có hơi… bèo thật, yếu tố combat cũng khá là nghèo nàn, nhưng đổi lại điểm sáng của game này là cốt truyện và nhân vật. Những nhân vật trong game vô cùng thú vị và sống động, khâu lồng tiếng cũng được làm rất chỉn chu, dẫn dắt anh em đi vào thâm cung bí sử với rất nhiều chi tiết cho anh em tha hồ bới móc. Ngoài ra thì game có rất nhiều cách chơi khác nhau: cầm súng càn quét từ đầu chí cuối, dùng kỹ năng thuyết phục để tránh xảy ra bạo lực, hoặc hành động theo kiểu lén lút, thích kiểu nào thì anh em cứ chơi theo kiểu đó, game không hề cấm cản gì hết nhé.
Vampyr
Thoạt nhìn thì Vampyr có lối chơi khá là cồng kềnh, combat thì bị lặp đi lặp lại, nói chung là khá chán. Nhưng yếu tố thu hút của game này chính là việc nó cho phép anh em giết bất kỳ nhân vật NPC (non-player character) nào cũng được, thậm chí giết luôn người giao nhiệm vụ cho anh em cũng còn được nữa là. Game có bối cảnh lúc dịch cúm Tây Ban Nha diễn ra vào năm 1918 tại London, người chơi sẽ vào vai Doctor Jonathan Reid – một người vừa mới bị biến thành ma cà rồng.
Sau khi tỉnh dậy, anh phát hiện ra mình chính là kẻ đã giết người em Mary của mình trong cơn khát máu. Thế là Reid bắt đầu hành trình đi tìm câu trả lời. Câu chuyện diễn ra sau đó được sắp xếp rất khéo léo và thu hút người chơi từ đầu đến cuối. Tuy nhiên, điểm “ăn tiền” của game này nằm ở chỗ là người chơi có thể giết bất kì một ai, và cốt truyện sẽ thay đổi cho phù hợp với diễn biến đó. Anh em giết càng nhiều thì Jonathan sẽ càng mạnh, game sẽ càng dễ. Tuy nhiên, nếu anh em cứ giết người vô tội vạ như thế này thì sẽ bỏ lỡ một số nhân vật thật sự thú vị, hoặc một số cột mốc và nhiệm vụ đáng để khám phá.
The Elder Scrolls V Skyrim: Dawnguard
Bản thân Skyrim đã là một tựa game có nội dung vô cùng phong phú rồi, đến khi bản DLC đầu tiên là Dawnguard ra mắt thì game lại càng được mở rộng thêm nữa. Tuy nhiên, thay vì tập trung vào mấy con rồng thì bản DLC này sẽ chuyển chủ đề sang một nhóm người chuyên đi diệt trừ ma cà rồng. Chủ đề ma cà rồng đã xuất hiện trong dòng game Elder Scrolls từ trước rồi, nhưng đến bản Skyrim thì nó đã được “nâng cấp” anh em ạ.
Bản DLC này cho phép anh em đưa ra lựa chọn: hoặc là chống lại ma cà rồng, hoặc là gia nhập hội và thực hiện công cuộc xóa mờ mặt trời. Nếu anh em chọn phương án thứ nhì thì nó sẽ mở ra thêm một cây kỹ năng (skill tree) mới, đồng thời anh em còn được khám phá hàng tá nhiệm vụ và sử dụng nhiều chiêu thức khác nhau, chẳng hạn như biến thành làn khói để lẻn qua kẻ địch, hoặc triệu hồi một con linh vật gargoyle để chiến đấu cùng với mình.
Infamous: Festival Of Blood
Infamous 2 xoay quanh nhân vật chính Cole MacGrath có khả năng điều khiển dòng điện, vì thế nên khi nhà phát triển Sucker Punch công bố phiên bản Festival Of Blood với MacGrath hóa thành ma cà rồng thì nhiều game thủ đã tỏ ra hoài nghi. Nghe thì thấy khá là buồn cười đó, nhưng khi chơi rồi mới thấy tuyệt cú mèo anh em ạ. Câu chuyện được kể theo góc nhìn của nhân vật phụ Zeke, và anh em sẽ được thấy siêu năng lực của MacGrath khi kết hợp với ma cà rồng nó thú vị đến mức nào.
Lúc này, MacGrath vừa có khả năng bắn tia lửa điện, vừa có khả năng triệu hồi một đàn dơi bay rợp trời New Marais. Chưa kể cốt truyện của bản này cũng khá là đặc sắc, và khung cảnh xung quanh cũng được thiết kế theo chủ để ma cà rồng luôn. Pháo hoa thì bắn ì đùng, người dân thì tụ tập đàn đúm, khoác lên mình những bộ trang phục ma cà rồng, tất cả đã giúp tạo một phiên bản Infamous vô cùng đặc sắc anh em ạ.
The Sims
Chắc hẳn anh em cũng không còn quá lạ lẫm gì với The Sims, và nhân vật ma ca rồng đã xuất hiện lần đầu tiên trong bản mở rộng Makin’ Magic ra mắt vào năm 2003. Kể từ lúc đó thì ma cà rồng đã trở thành một nhân tố không thể thiếu trong series này. Vì bản chất The Sims là game mở nên khi được bổ sung ma cà rồng thì lại càng có thêm nhiều nội dung thú vị nữa.
Anh em có thể tạo ra 1 ocn ma cà rồng để hù dọa và thậm chí là ăn luôn hàng xóm cũng được. Hoặc nếu anh em thích xây dinh thự kiểu gothic, ngủ trong cái hòm trên gác mái và nuôi một lũ ma cà rồng nhóc con thì The Sims cũng tạo điều kiện cho anh em hiện thực hóa mong ước đó luôn. Tuy không quá máu me, ghê gớm như những tựa game khác trong danh sách này nhưng nhìn chung thì The Sims cho phép người chơi làm rất nhiều thứ với nó, cũng khá là vui.
Legacy Of Kain
Cũng đã khá lâu rồi kể từ phần Legacy of Kain cuối cùng ra mắt, nhưng những ai đã từng là fan thì vẫn sẽ trung thành với game này. Game có cốt truyện khá là hấp dẫn, nhân vật mới mẻ, và gameplay đột phá, vì thế nên cũng không lấy làm lạ khi Legacy Of Kain trở nên phổ biến trong cộng đồng nhiều năm liền. Phiên bản đầu tiên, Blood Omen: Legacy of Kain ra mắt vào năm 1995 và đã giành được nhiều lời khen ngợi nhờ có cách kể chuyện thu hút, bối cảnh, âm thanh được trau chuốt. Thế là series tiếp tục tung ra các phần hậu bản, tuy hơi “thụt lùi” một chút nhưng nhìn chung vẫn được game thủ đón nhận nồng nhiệt.
Game thường tập trung vào những chủ đề u ám và khá là cao siêu nên hơi khó hiểu một chút. Nó khai thác những chủ đề về đạo đức, ý chí tự do, cái thiện và cái ác dưới lăng kính của… ma cà rồng. Legacy of Kain khuyến khích anh em suy nghĩ chứ không dẫn dắt từng đường đi nước bước, và cũng chính vì thế mà người chơi không cảm thấy bị chán khi khám phá thế giới trong game.
Castlevania
Đây được xem như là một trong những dòng game đình đám nhất trong lịch sử, pha trộn yếu tố đi cảnh, giải đố một cách vô cùng thuyết phục. Nó cũng đã giúp phổ biến thể loại Metroidvania nhờ có cấu trúc mở, cho phép anh em tự do khám phá mà thời bấy giờ ít game nào làm được. Đã có rất nhiều phiên bản Castlevania được cho ra mắt và hầu như bản nào cũng được game thủ đón nhận.
Game kết hợp nhiều yếu tố văn hóa đại chúng, kinh dị, thần thoại, và nhiều thứ khác nữa, và nó cũng đã giúp Castlevania lấn sân sang những mảng khác, chẳng hạn như trên Netflix là chương trình về Castlevania đó anh em. Dù vậy, Castlevania được biết đến nhiều nhất nhờ có độ khó đến mức “không khoan nhượng” và cốt truyện giàu nội dung, chứng tỏ game vẫn luôn bám sát theo những giá trị cốt lõi của mình.
Buffy The Vampire Slayer (2002)
Game ăn theo chương trình truyền hình mặc đình là sẽ bị gắn mác dở tệ, nhưng riêng Buffy The Vampire Slayer (2002) là một ngoại lệ. Game có bối cảnh vào mùa thứ 3 của chương trình truyền hình, nối tiếp câu chuyện của mùa 1 với nhân vật phản diện The Master quay trở lại. Bầu không khí u ám bao trùm Sunnydales, dàn nhân vật kì quặc, và quan trọng hơn hết là yếu tố combat cực chất của nhân vật chính Slayer đều được tái hiện một cách vô cùng hoàn hảo. Ngoài ra thì phần lớn diễn viên ngoài đời thật cũng tham gia lồng tiếng cho game này.
Gameplay theo góc nhìn thứ ba cũng không có gì quá đặc sắc, nhưng nhờ có nhiều chiêu thức cho anh em thi triển nên Buffy The Vampire Slayer đã thu hút được rất nhiều game thủ, khiến nó nổi tiếng không thua gì chương trình truyền hình. Nhà phát triển đã biết cách nhấn nhá đúng chỗ với bầu không khí đầy vui tươi nhưng cũng không kém phần kích tính, bảo đảm sẽ làm hài lòng ngay cả những fan khó tính nhất.
The Incredible Adventures of Van Helsing
The Incredible Adventures of Van Helsing có lối chơi khá là mới lạ, cho phép người chơi vào vai… con trai của thợ săn ma cà rồng huyền thoại Van Helsing. Bên cạnh đó, game còn có thêm các yếu tố nhập vai với góc nhìn từ trên xuống càng giúp game trở nên đặc biệt. Anh em sẽ được tiêu diệt vô số kẻ địch, loot đồ và nâng cấp đội hình của mình. Điều khiến tựa game này trở nên thu hút đó chính là bối cảnh độc nhất vô nhị và dàn nhân vật rất thú vị.
Game có bối cảnh tại quốc gia Borgova mang màu sắc gothic-noir và cùng với đó là rất nhiều kẻ địch được thiết kế vô cùng công phu, tỉ mỉ. The Incredible Adventures of Van Helsing có tiết tấu nhanh, góp phần làm gameplay trở nên hấp dẫn và phần lồng tiếng cũng như cốt truyện cũng được đầu tư đúng mực, nhờ vậy mà game đã trở nên nổi bật hơn so với đối thủ.
Darkwatch
Trong bối cảnh mà game nào bắn súng góc nhìn thứ nhất (FPS) nào cũng tập trung khai thác chủ đề Thế chiến thì những game như Darkwatch mặc nhiên thu hút sự chú ý của game thủ. Nó kết hợp các yếu tố kinh dị, steampunk, ma cà rồng để tạo nên một tựa game vô cùng độc đáo. Cốt truyện của trò này cũng rất đặc sắc, xoay quanh nhân vật Jericho Cross và cuộc giằng xé giữa việc chiến đấu chống lại ma cà rồng cho hội Darkwatch, trong khi bản thân anh ta cũng đang biến thành một ma cà rồng.
Gameplay khá là cuốn hút, thậm chí có một số đoạn còn kịch tính nữa. Game có bối cảnh phương Tây và cốt truyện hội tụ đủ các yếu tố liên quan đến ma cà rồng, chính vì thế mà nó đã chiếm được cảm tình của nhiều game thủ. Nói một cách đơn giản thì đây là Red Dead Redemption kết hợp với Call of Duty, kết hợp thêm ma cà rồng trong đó nữa là thành Darkwatch.
Nguồn: What Culture