Top 10 vụ nổ chấn động lịch sử loài người
Đôi khi một vụ nổ không chỉ đơn giản là một vụ nổ, nếu đủ lớn, đúng nơi và đúng thời điểm, nó có thể tạo ra những sự kiện vô cùng thảm khốc. Sau đây, mời các bạn cùng tìm hiểu về 9 trong số những vụ nổ chấn động lịch sử loài người. Trong đó, có nhiều vụ mà hậu quả của chúng vẫn còn để lại cho đến tận ngày nay.
Vụ thử nghiệm hạt nhân Trinity (1945)- Vụ nổ bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử
Nói đến nổ bom nguyên tử thì chúng ta thường nhớ đến 2 vụ đánh bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản hồi năm 1945 hơn là quả bom nguyên tử đầu tiên được kích hoạt – Gadget. Đây có thể xem là thủy tổ của mọi thứ vũ khí hạt nhân, và nó chính là tâm điểm của vụ thử nghiệm hạt nhân Trinity.
Vào lúc 5 giờ 29 phút sáng ngày 16 tháng 7 năm 1945, tại thành phố Alamogordo, bang New Mexico, Hoa Kỳ, quả bom Gadget đã được kích nổ. Nó đạt sức công phá 20 kiloton (tức là tương đương 20.000 tấn thuốc nổ TNT). Nhà Khoa học J. Robert Oppenheimer khi đó chứng khiến vụ nổ đã nghĩ đến một dòng trong cuốn cổ văn tiếng Phạn Bhagavad Gita của đạo Hindu, rằng “Ta đã trở thành thần chết, kẻ hủy diệt cả thế gian”. Vũ khí hạt nhân sau đó đã được người Mỹ dùng để kết thúc Thế Chiến Thứ 2, đồng thời cũng dẫn đến khoảng thời gian hàng thập kỷ mà nhân loại bị bao trùm trong sự đe dọa chiến tranh hạt nhân.
Vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki (1945) – Sự kiện được xem là dấu chấm hết cho Thế Chiến Thứ 2
Tuy rằng diễn ra cách nhau 3 ngày nhưng 2 vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki thường được xem như một sự kiện – sự khiến hàng trăm ngàn người vô tội thiệt mạng nhưng cũng buộc phát xít Nhật phải đầu hàng và chấm dứt Thế Chiến Thứ 2.
Vào ngày 6/8 năm 1945, theo lệnh của Tổng thống Harry S. Truman, chiếc máy bay Boeing B-29 Superfortress với biệt danh Enola Gay đã thả quả bom nguyên tử đầu tiên mang tên Little Boy (cậu bé) có sức nổ 15 kiloton xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản. 3 hôm sau, vào 9 tháng 8 năm 1945, quả bom thứ hai mang tên Fat Man có sức nổ 21 kiloton đã được kích hoạt trên bầu trời thành phố Nagasaki. Theo ước tính, đã có 140.000 ngàn người ở Hiroshima và 70.000 người ở Nagasaki thiệt mạng trong 2 vụ nổ. Ngày nay, dù đã rất nhiều năm sau 2 vụ đánh bom nguyên tử, nhân loại vẫn không thể quên được sự tàn phá khủng khiếp mà chúng đã gây ra.
Thảm họa thành phố Texas (1947)- Tai nạn kinh hoàng nhất lịch sử ngành công nghiệp Hoa Kỳ
Ngày 16 tháng 4 năm 1947, tại Vịnh Galveston, Cảng Thành phố Texas, bang Texas, Hoa Kỳ, một vụ cháy trên con tàu SS Grandcamp đã làm nổ 2.300 tấn amoni nitrat, một hợp chất được sử dụng trong phân bón và thuốc nổ mạnh. Vụ nổ đã cuốn theo 2 chiếc máy bay khỏi bầu trời, gây ra phản ứng dây chuyền làm nổ tung các nhà máy lọc dầu gần đó và kéo theo cả một chiếc tàu hàng chở 1.000 tấn amoni nitrat khác đang đậu gần đó.
Thảm họa đã làm khoảng 600 người thiệt mạng và khoảng 3.500 người bị thương. Chính vì con số thương vong khủng khiếp và quy mô tàn phá khổng lồ, sự kiện này thường được xem là tai nạn tồi tệ nhất trong lịch sử ngành công nghiệp Hoa Kỳ.
Vụ nổ Halifax (1917) – Vụ nổ do tai nạn lớn nhất lịch sử
Ngày 6 tháng 12 năm 1917, một tàu chở hàng của Pháp chất đầy thuốc nổ để phục vụ Thế Chiến Thứ Nhất đã va chạm với một tàu của Bỉ tại cảng Halifax, Canada. Vụ va chạm đã làm số thuốc nổ trên tàu bén lửa và phát nổ khủng khiếp hơn bất kỳ vụ nổ nhân tạo nào trước đó, tương đương với khoảng 2.900 tấn thuốc nổ TNT.
Vụ nổ đã tạo ra một cột khói trắng cao 6.1km và tạo ra một đợt sóng lớn cao tận 18m. Trong 2km tính từ tâm vụ nổ hầu như không thứ gì còn nguyên vẹn, khoảng 2.000 người đã thiệt mạng và 9.000 người khác bị thương. Đây chính là vụ nổ do tai nạn lớn nhất mà nhân loại từng chứng kiến
Thảm họa Chernobyl (1986) – Thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử
Ngày 26 tháng 4 năm 1986, lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl ở Pripyat, Ukraina (khi ấy còn là một phần của Liên bang Xô viết) đã phát nổ. Nó thổi bay nắp lò phản ứng nặng 2.000 tấn và tạo ra lượng bụi phóng xạ cao gấp 400 lần so với quả bom ở Hiroshima, la, rộng ra nhiều vùng phía tây Liên bang Xô viết, Đông Âu và Tây Âu, Scandinavia, Anh quốc, và đông Hoa Kỳ.
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết rằng có 56 người chết ngay lập tức; 47 công nhân và 9 trẻ em vì ung thư tuyến giáp, và ước tính rằng có khoảng 9.000 người phơi nhiễm phóng xạ từ thảm họa cuối cùng sẽ chết vì ung thư. Đây được xem là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử loài người.
Sự kiện Tunguska (1908) – Vụ nổ lớn bí ẩn trên bầu trời nước Nga
Vào lúc 7 giờ 17 phút sáng ngày 30 tháng 6 năm 1908, một vụ nổ bí ẩn ở gần sông Podkamennaya Tunguska (vùng Siberia, thuộc Nga hiện nay) đã san bằng 2.150 km vuông rừng, làm gãy khoảng 60 triệu cái cây. Cho các bạn dễ ước tính thì đó là một khu vực rộng gần bằng Tokyo. Về việc cái gì đã nổ mà to đến thế thì không ai biết cả và đến nay thì vẫn chưa có lời giải chính thức.
Các nhà khoa học đã đặt giả thuyết rằng đó là một vụ nổ trên không của một tiểu hành tinh hoặc sao chổi, có đường kính khoảng 20m và nặng khoảng 180.5000 tấn, phát nổ trên không ở độ cao 6-10km. Vụ nổ ước tính có sức mạnh 4 megaton, tức là mạnh gấp 250 lần quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima. Ngoài giả thuyết và thiên thể nổ tung, vẫn còn nhiều giả thuyết khác nữa về vụ nổ, làm đau đầu các nhà khoa học trong nhiều thập kỷ và biến nó thành một trong những bí ẩn lớn nhất của giới khoa học hiện đại. Do sức ảnh hưởng quá rộng lớn cũng như nhiều tài liệu thất lạc trong thế chiến thứ nhất, số thương vong chính thức về người vẫn chưa thể ước tính được.
Vụ phun trào núi lửa Tambora (1815) – Vụ phun trào núi lửa lớn nhất lịch sử
Ngày 10 tháng 4 năm 1815 tại Sumbawa, Indonesia, núi lửa Tambora đã phun trào với sức mạnh hủy diệt tương đương với 1.000 megaton (1 tỷ tấn thuốc nổ TNT). Đây là vụ phun trào núi lửa khủng khiếp nhất từng được ghi nhận.
Vụ phun trào đã ném khoảng 140 tỷ tấn dung nham vào không trung, đạt độ cao đến 4.000m và cướp đi sinh mạng của hơn 71.000 người trên đảo Sumbawa và Lombok gần đó. Tro bụi của nó cũng tạo ra những sự kiện khí hậu bất thường. Năm 1816 sau đó được gọi là Năm không có mùa Hè. Tuyết đã rơi vào tháng 6 ở Albany, New York và sông ở Pennsylvania vào tháng 7 cũng đóng băng. Cùng với đó là hàng trăm ngàn người thiệt mạng vì nạn đói trên toàn cầu do thiếu thốn lương thực.
Vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch Tsar Bomba (1961) – Vụ nổ nhân tạo mạnh nhất lịch sử
Tsar Bomba, dịch ra tiếng Việt là “Bom Sa Hoàng” được phát triển bởi Liên Xô trong giai đoạn chiến tranh lạnh, đây là vũ khí mạnh nhất từng được kích hoạt trong lịch sử loài người. Vào lúc 11 giờ 32 phút ngày 30 tháng 10 năm 1961 trên khu vực thử nghiệm hạt nhân Vịnh Mityushikha, tại khoảng cách 4km tính từ mặt đất, quả bom đã được kích nổ. Nó tạo thành một đám mây hình nấm cao 64km và rộng 40km. Sóng xung kích đã càn quét và gây thiệt hại trong bán kính lên đến 1000 km từ tâm vụ nổ, phá vỡ cửa kính tại Phần Lan và Thụy Điển.
Bức xạ từ vụ nổ có thể gây bỏng cấp độ 3 ở khoảng cách 100km và hủy diệt hoàn toàn mọi vật thể trên mặt đất từ khoảng cách 35km, để lại một vùng ô nhiễm phóng xạ không thể sinh sống được trong vài ngàn năm tới. Đương lượng nổ của quả bom ước tính đạt 50 megaton, tức gấp 3300 lần quả bom Little Boy mà mỹ thả xuống Hiroshima. Đúng ra nó có thể đạt sức mạnh tối đa lên đến 100 megaton nhưng đã bị giới hạn xuống còn một nửa để hạn chế khả năng phát tán bụi phóng xạ.
[Bonus] Vụ va chạm chấm dứt thời đại khủng long (66 triệu năm trước) – Sự kiện định hình sự sống trên trái đất hiện tại
Thật ra thì đây cũng không chắc là một vụ nổ va chạm, đúng hơn thì nó là giả thuyết chính với nhiều bằng chứng về nguyên nhân của sự kiện đại tuyệt chủng cuối kỷ Phấn Trắng cách đây 66 triệu năm. Đó là lý do mình để nó ở trung mục “bonus” chứ không phải là một đầu mục chính thức trong bài viết. Theo giả thuyết này thì khi đó, một tiểu hành tinh hoặc sao chổi đã va chạm với trái đất. Vụ nổ ước tính có sức công phá 10.000 gigaton, tức là gấp khoảng 1000 lần toàn bộ vũ khí hạt nhân trên thế giới cộng lại. Nó để lại miệng hố Chicxulub rộng 10km tại bờ biển Yucatan.
Vụ va chạm và các vụ phun trào núi lửa mà nó kéo theo đã xả một lượng khói khói bụi khổng lồ vào trong bầu khí quyển. Khói bụi che lấp ánh mặt trời, làm trái đất lạnh hơn tạo nên hiệu ứng mùa đông hạt nhân kéo dài hàng chục năm trên phạm vi toàn cầu. Thực vật không sống được do không có ánh sáng kéo theo sự tuyệt chủng của loài ăn thực vật. “Lên dĩa” đầu tiên là mấy con thằn lằn sấm to nặng hàng chục tấn cần quá nhiều thức ăn, tiếp đến động vật ăn thịt cỡ lớn chết đói do không còn đủ thịt để nuôi chúng nữa. Những loài động vật càng nhỏ, càng cần ít thức ăn hơn thì càng có nhiều cơ hội sống sót. Chúng đào xuống đất, nấp trong những cánh rừng chết hoặc ẩn mình dưới lòng đại dương sâu thẳm để sống sót và chờ ngày tận thế trôi qua.
Sự kiện kinh hoàng đó đã quét sạch 3/4 số loài sinh vật đương thời trên trái đất. Tất cả các loài sinh vật ngày nay đều là hậu duệ của 1/4 số loài sinh vật đã kiên cường sống sót. Và nếu sự kiện này không xảy ra thì chắc gì giờ này mình còn ngồi ở đây chém gió với mấy bạn trên GVN 360. Có thể nói sự kiện này đã phế truất khủng long để những loài sinh vật nhỏ bé như tổ tiên loài người chúng ta lúc đó trỗi dậy để làm chủ địa cầu.
Trên đây là 9 vụ nổ kinh hoàng có sức ảnh hưởng lớn đến lịch sử nhân loại. Hy vọng các bạn thấy những thông tin này thú vị. Các ơn các bạn vì đã quan tâm theo dõi và mong rằng các bạn sẽ luôn đồng hành cùng GVN 360 trong những bài viết tiếp theo.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- “Lỗ hậu” dưới chóp đuôi máy bay thương mại dùng để làm gì?
- Cục u trên nòng pháo có tác dụng gì mà hầu như xe tăng hiện đại nào cũng có?
Nguồn:
- LivesCience
- Wikipedia – Vụ thử nghiệm hạt nhân Trinity
- Wikipedia – Vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki
- Wikipedia – Thảm họa thành phố Texas
- Wikipedia – Vụ nổ Halifax
- Wikipedia – Thảm họa Chernobyl
- Wikipedia – Sự kiện Tunguska
- Wikipedia – Vụ phun trào núi lửa Tambora
- Wikipedia – Vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch Tsar Bomba
- Wikipedia – Vụ va chạm chấm dứt thời đại khủng long
- Wikipedia – Enola Gay