Vì sao switch chuột dễ bị double click còn switch bàn phím thì gần như không?
Double click từ lâu đã là đặc sản của chuột máy tính rồi, con nào cũng có thể bị cả, chỉ có một số con xài switch quang học thì may ra thoát thôi. Điều đó đặt ra cho mình và nhiều anh em khác một câu hỏi là “tại sao switch chuột và switch bàn phím tuy cũng đều có cơ chế nhận tín hiệu là sự tiếp xúc giữa các lá đồng nhưng switch chuột lại dễ bị double click còn switch bàn phím thì gần như không?”. Nếu anh em cũng tò mò giống mình thì đây sẽ là câu trả lời nhé.
Cơ chế tạo tín hiệu của switch chuột và nguyên nhân bị double click?
Anh em có thể dễ dàng nhận thấy rõ ràng là switch chuột luôn luôn có độ nảy tốt để tạo cảm giác phản hồi cho người sử dụng. Thứ tạo ra độ nảy đó chính là một phần lá đồng bị uốn cong bên trong con chuột. Trong switch chuột có 1 lá đồng có thể chuyển động và 2 chấu đồng cố định (1 cái nằm trên, 1 cái nằm dưới). Lá đồng lại chia ra thành 2 phần, 1 phần dùng để tạo tín hiệu, 1 phần bị uốn cong thì sẽ cung cấp lực đàn hồi. Khi anh em nhấn xuống switch qua “điểm kích hoạt”, phần bị uốn cong sẽ làm sẽ làm cho phần tạo tín hiệu đập thật mạnh xuống, tạo ra tiếng click và độ nảy. Đồng thời lá đồng cũng tiếp xúc với chấu đồng để tạo ra tín hiệu.
Khi anh em dùng lâu, phần lá đồng bị uốn cong đó sẽ khó giữ được độ đàn hồi như lúc ban đầu, khiến cho lực mà nó tác động vào phần lá đồng tạo tín hiệu yếu đi. Kết quả là khi anh em nhấn switch và lá đồng đập xuống chấu đồng, nó sẽ nảy lên rồi chạm xuống 1 lần nữa và tạo ra thêm 1 tín hiệu click. Và thế là tèn ten, chúng ta có double click. Ngoài việc mất độ đàn hồi của lá đồng thì để bụi lọt vào switch, chèn vào chỗ tiếp xúc của lá đồng và chấu đồng cũng có thể gây ra tình trạng trên.
Cơ chế tạo tín hiệu của switch bàn phím và vì sao nó khó bị double click
Switch cơ thì cũng có 1 lá đồng và 1 chấu đồng cố định. Ở trạng thái nghỉ thì stem (chân chữ thập) sẽ chèn vào không cho lá đồng tiếp xúc với chấu đồng. Khi anh em nhấn stem thì nó sẽ lún xuống và để lá đồng tiếp xúc với chấu đồng, tạo ra tín hiệu. Cho dù switch linear, clicky hay tactile thì cũng đều có chung một nguyên lý như thế cả, chỉ khác bộ phận tạo phản hồi thôi.
Khi anh em nhấn lún stem thì lá đồng và chấu đồng chỉ chạm nhau thôi chứ không đập vào nhau như với switch chuột. Và vì chỉ chạm nhẹ vào nhau nên trên lý thuyết thì lá đồng không thể nảy lên để chạm xuống lần nữa và tạo ra tín hiệu thứ 2 được. Thực tế thì switch bàn phím vẫn có thể tạo ra tín hiệu double click khi chỗ tiếp xúc của lá đồng và chấu đồng bị bẩn, tạo ra độ trễ khiến nó tạo tín hiệu 2 lần, tuy nhiên điều này vẫn rất hiếm so với hiện tượng double click trên chuột.
Về mặt cơ chế, switch chuột có thể bị double click khi lá đồng của nó mất độ đàn hồi còn switch cơ bàn bàn phím thì không. Còn trên thực tế thì bụi vào là cái nào cũng có thể bị double click cả. Nhìn chung thì Switch chuột có nhiều nguyên nhân khiến nó bị double click hơn so với switch bàn phím. Thế nên trên thực tế thì anh em sẽ rất dễ dàng thấy tình trạng chuột bị double click, còn bàn phím thì rất hiếm luôn.