Top 10 tựa game đình đám đến mức đẩy nhà phát triển của chúng phải bỏ nghề
Top 10 tựa game đình đám đến mức đẩy nhà phát triển của chúng phải bỏ nghề, các bạn có biết tựa game nào trong số này không?
Ngành nào cũng có khó khăn của nó, và ngành gaming cũng không phải là ngoại lệ. Vì thế nên chuyện những nhà làm game tầm trung phải nghỉ việc cũng không có gì quá bất ngờ; tuy nhiên sẽ càng bất ngờ hơn khi những người trưởng nhóm, đứng đầu đội ngũ sáng tạo lại phải dứt áo ra đi, rời khỏi ngành công nghiệp game ngay cả khi đứa con tinh thần của họ cực kì thành công đi chăng nữa. Những người này có thể chuyển sang công việc khác ít stress hơn, có môi trường làm việc lành mạnh hơn, hoặc là có cộng đồng ít “toxic” hơn. Sau đây là danh sách 10 tựa game đình đám đến mức đẩy nhà phát triển của chúng phải bỏ nghề.
Fez
Phil Fish là designer của tựa game đi cảnh – giải đố Fez (2012) được nhiều người yêu thích. Lúc này Fish được biết đến như là một người rất thẳng thắn và có tính cách khá là quái dị, và điều này càng trở nên tồi tệ hơn bởi sự phổ biến của tựa game Fez và sự hiện diện của Fish trong bộ phim tài liệu Indie Game: The Movie. Fez 2 được công bố tại E3 2013 và fan khắp mọi nơi đã vô cùng vui mừng; tuy nhiên chỉ 1 tháng sau thì Fish đã có một cuộc tranh cãi nảy lửa với nhà báo Marcus Beer trên Twitter và điều này không chỉ khiến Fez 2 bị hủy mà Fish thậm chí còn rời bỏ ngành gaming luôn.
Fish cho biết anh quyết định như vậy là vì tính tiêu cực trong ngành này và vì bị đối xử không đúng mực trên mạng xã hội xuyên suốt quá trình làm ra Fez. Mặc dù sau đó Fish có làm cố vấn viên cho một số dự án khác nhưng nhìn chung thì anh đã không còn dính líu gì đến việc phát triển game nữa, và theo lời Fish có chia sẻ thì anh đã lấy tiền rồi cao chạy xa bay luôn.
Minecraft
Markus “Notch” Persson là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất trong ngành game vì đã tạo ra một “hiện tượng” có tên là Minecraft. Ban đầu nó chỉ là một tựa game indie nhưng bây giờ nó đã là tựa game trị giá hàng tỷ đô. Nhưng sau khi trầy da tróc vẩy phát triển game này và những bản mở rộng sau đó thì Notch đã tìm đường rút lui khỏi ngành vì những áp lực mà ông ta đang phải gánh chịu. Vì thế nên vào năm 2014, Notch đã bán lại game này cho Microsoft để có thể “thanh thản” ra đi. Mặc dù Notch không chính thức công bố là ông đã không còn tham gia vào việc phát triển game nữa, trong vòng 5 năm trở lại đây ông đã tận hưởng số tiền khổng lồ mà mình có được từ thương vụ mua bán kia và gần như là không còn nhúng tay vào ngành gaming nữa.
Tuy nhiên, đây cũng không hẳn là một tin quá đáng buồn vì rất nhiều fan của Minecraft cũng không ưa gì Notch cho lắm, nhất là về khía cạnh quan điểm chính trị của ông. Microsoft sau này cũng không muốn dính líu gì đến cái tên Notch và thậm chí còn chẳng mời ông đến tham gia sự kiện 10 năm nhân ngày ra mắt Minecraft.
Diablo III
Diablo III đã vấp phải rất nhiều sự chỉ trích từ game thủ vì 2 thứ: buộc game thủ phải kết mạng mới vào game chơi được, và việc bổ sung cơ chế đấu giá vào trong game, cho phép game thủ dùng tiền thật để mua đồ ảo trong game. Sự việc càng trở nên nghiêm trọng khi Giám đốc game – Jay Wilson – phản hồi lại những chỉ trích đến từ chính cha đẻ của Diablo là David Brevik, thẳng thắng tuyên bố rằng “mặc kệ thằng đó nghĩ gì”.
Sau khi bị fan công kích dữ dội thì Jay Wilson cũng đã lên tiếng xin lỗi, nhưng mối quan hệ giữa ông và cộng đồng fan đã không còn gì cứu vãn được nữa. Vài năm sau khi game ra mắt thì ông ta đã quyết định rời khỏi Blizzard và biến mất khỏi ngành gaming luôn, thay vào đó là tập trung vào việc viết lách. Tất nhiên, fan đã rất phấn khởi khi nghe được tin này.
Bear Simulator
Hồi năm 2014, nhà phát triển John Farjay đã nhận được số tiền quyên góp lên đến 100.000USD trên Kickstarter để sản xuất game Bear Simulator. Khi game cập bến Steam thì nó đã nhận được nhiều phản hồi tích cực, nhưng chưa đầy 1 tuần sau đó thì Farjay lại lên Kickstarter nhấn mạnh rằng game không nhận được nhiều sự ủng hộ cho lắm, và những bản cập nhật sau này cũng chẳng thể giúp tình hình khá lên được.
Ngoài ra Farjay còn nói thêm là ông “không muốn phải đối mặt với drama nữa”, và nhiều fan cho rằng câu này là để phản hồi lại video mà PewDiePie đã mạt sát tựa game này (video này đã thu hút khoảng 5 triệu view). Mặc dù sau đó PewDiePie đã thừa nhận rằng video của mình có phần hơi lố nhưng Farjay cũng chỉ ra mắt thêm một vài bản cập nhật rồi dứt áo ra đi luôn, không còn ra mắt thêm bất kì tựa game nào nữa.
Anthem
Trước khi rời khỏi Bioware vào năm 2018 thì James Ohlen giữ chức vụ Giám đốc Sáng tạo cấp cao tại đây và đã gắn bó với công ty này được hơn 20 năm. Ông là nhân vật đứng sau hàng loạt tựa game đình đám như Baldur’s Gate, Star Wars: Knights of the Old Republic, Dragon: Age Origins, và Mass Effect. Tuy nhiên, tựa game gần đây nhất của ông là Anthem lại không được thuận buồm xuôi gió cho lắm. Bên cạnh việc vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ game thủ thì nhiều trang báo cũng phanh phui việc giai đoạn phát triển game đã gặp rất nhiều rắc rối.
Rõ ràng là Ohlen, cùng với nhiều nhân vật cộm cán khác tại Bioware, đã phải trầy da tróc vẩy với Anthem, vì thế nên khi Ohlen rời khỏi công ty thì cũng không có gì quá bất ngờ cho lắm. Điều khiến mọi người bất ngờ là Ohlen đã nghỉ việc 7 tháng trước khi game ra mắt. Sau khi trải qua nhiều thăng trầm trong công cuộc phát triển Anthem thì Ohlen đã biết trước điều gì sẽ xảy ra, nhưng bên cạnh việc rời khỏi Bioware thì ông quyết định quay lưng với ngành gaming luôn và thay vào đó là mở công ty phát hành sách mang tên Arcanum Worlds.
Nhưng chưa đầy 1 năm sau đó thì Ohlen lại quay trở lại hợp tác với nhà phát hành Wizards of the Coast. Ông được giao nhiệm vụ dẫn dắt studio mới mang tên Archetype Entertainment và họ đã cho ông rất nhiều quyền kiểm soát, đồng thời vẫn cho phép Ohlen duy trì Arcanum Worlds. Ông cho biết cảm mình thấy rất vui mừng vì được làm những điều mình thích, và những cựu nhân viên của Bioware khi gia nhập Archetype cũng đồng ý với điều trên, nói rằng niềm đam mê của họ đã rực cháy trở lại. Quả là một kết thúc có hậu anh em nhỉ?
Oddworld: Stranger’s Wrath
Lorne Lanning nổi tiếng với dòng game Oddworld, nhưng mặc dù nó giành được những thành công nhất định, Lanning lại không còn cảm thấy mặn nồng với ngành công nghiệp này nữa sau khi doanh số phần Stranger’s Wrath (2005) không đạt được như kì vọng, bán được chưa đến phân nửa số lượng cần để hoàn vốn. Lanning chỉ trích EA vì có chiến lược quảng bá tồi tệ và quyết định “chia tay” ngay trong năm đó. Tuy nhiên, vì không có sự hậu thuẫn của một ông lớn nào cả nên đội ngũ phát triển Oddworld Inhabitants của ông cũng phải dẹp tiệm luôn.
Bên cạnh việc tuyên bố hủy tất cả dự án trong tương lai thì Lanning cũng rời bỏ ngành công nghiệp game luôn. Ông nói rằng ông không quan tâm đến những mối quan hệ này vì nó quá là bất công, và vì thế nên ông thà từ bỏ luôn chứ không tha thiết gì nó nữa cả. Lanning đã tìm đến nhiều lĩnh vực media khác trong những năm sau đó, trong đó có cả việc sản xuất phim ngắn. Hãng Oddworld Inhabitants sau này có được hồi sinh, nhưng Lanning vẫn không dính líu gì đến việc phát triển game nữa kể từ khi Stranger’s Wrath ra mắt 15 năm về trước.
Dota 2
Trước khi rời khỏi Valve vào năm 2016 thì Marc Laidlaw đã làm việc tại đây gần 20 năm. Ông chính là người duy nhất tạo ra 2 phần Half-Life đầu tiên và cũng là trưởng nhóm nội dung cốt truyện cho 2 bản Half-Life spin-off ra mắt vào năm 2006 và 2007. Trong những năm sau đó thì Laidlaw cũng đã đóng góp rất nhiều chất xám cho Dota 2. Khi rời khỏi công ty vào năm 2016, Laidlaw cho biết ông đã có một khoảng thời gian rất tuyệt vời, nhưng bây giờ là lúc cần được nghỉ ngơi, tránh xa những xô bồ trong công việc sản xuất game và tập trung hơn vào những dự án viết lách của mình.
Không quá khó để hiểu ý của Laidlaw muốn nói là ông đã quá mệt mỏi vì phải vắt kiệt sức lực cho Dota 2, và cần có một khoảng thời gian để được nghỉ ngơi. Câu chuyện trở nên thú vị hơn vào năm 2017, ông đã khiến mọi người một phen ngỡ ngàng khi đến bàng hoàng khi ra mắt phần sườn của cốt truyện dành cho Half-Life 2: Episode Three. Đây là một trong những đứa con tinh thần mà Laidlaw đã ấp ủ từ nhiều năm trước, và vì thế nên fan cũng phần nào hiểu được rằng ông đã rất bực tức khi cả Episode Three và Half-Life 3 đều không được đem vào sản xuất.
Patton Strikes Back: The Battle of the Bulge
Chris Crawford không phải là cái tên quá nổi bật trong thời gian gần đây nhưng hồi những năm 80 thì game designer này vô cùng nổi tiếng đấy nhé. Ông đã rút lui khỏi ngành vào năm 1992 và vụ này đã trở thành huyền thoại luôn rồi. Những tựa game chiến thuật của ông thường rất quái dị và khó chơi vì nó tập trung vào các vấn đề về xã hội và triết lý – những thứ không hề phổ biến chút nào vào thời bấy giờ. Tuy nhiên, sau khi tựa game Patton Strikes Back: The Battle of the Bulge (1991) ra mắt thì Crawford đã “vỡ mộng” về cái ngành này, và tuyên bố rút lui khỏi ngành tại hội nghị Game Developers Conference vào năm 1992.
Ông đã có một bài phát biểu “Dragon Speech” trứ danh, trong đó ông dùng con rồng để ẩn dụ cho trò chơi điện tử và so sánh mình với Don Quixote, rời khỏi ngành gaming để khám phá mảng kể chuyện tương tác (interactive storytelling). Tuy nhiên, vào năm 2018, ông tuyên bố bỏ mảng này luôn, cho rằng khán giả hiện nay vẫn chưa đủ tầm để hiểu được những khái niệm rộng lớn của nó.
LawBreakers
Cliff “CliffyB” Bleszinski cũng khá nổi tiếng trong khoảng thời gian làm việc tại Epic Games (từ 1992 đến 2012). Tại đây, ông tập trung phát triển dòng game Unreal và Gears of War, sau đó thì không đã nghỉ xả hơi một thời gian. Tưởng chừng như Bleszinski đã rời khỏi ngành này luôn rồi nhưng vào năm 2014, ông đã mở một studio của riêng mình tên là Boss Key Productions với tựa game đầu tiên LawBreakers. Mặc dù game nhận được nhiều phản hồi tích cực khi ra mắt nhưng nó lại thất bại trong việc giữ chân người chơi, khiến Boss Key bị tan rã sau khi game ra mắt vào mùa hè năm 2017.
Vào cuối 2018, Bleszinski xác nhận ông sẽ từ bỏ ngành này luôn, và “như vậy là quá đủ rồi”. Trong những năm sau đó thì Bleszinski đã trở thành đồng sản xuất vở nhạc kịch Hadestown (giành được giải thưởng Tony Award) và đồng thời đầu tư vào nhà hàng. Ngoài ra ông cũng đang có dự định sẽ viết hồi ký về sự nghiệp của mình.
Mass Effect: Andromeda
Sau gần 10 năm làm ở vị trí biên tập viên cấp cao (senior editor) trong ngành game thì vào năm 2016, Cameron Harris tuyên bố rằng bà sẽ rời khỏi ngành này sau khi cống hiến rất nhiều cho những tựa game như Dragon Age: Inquisition, Star Wars: The Old Republic, và Mass Effect: Andromeda. Mặc dù Harris cho biết bà quay về Seattle là để tìm cơ hội mới, nhiều fan đã tỏ ra nghi ngờ về thời điểm mà bà quyết định làm chuyện này, bởi vì trước đó vài tuần thì David Gaider và Chris Schlerf – hai người đóng vai trò quan trọng trong Dragon Age: Inquisition và Mass Effect: Andromeda, đều rời khỏi Bioware.
Điều này càng khiến fan quan ngại về khâu sản xuất Andromeda có vấn đề. Và đúng vậy, khi game ra mắt một năm sau đó thì nó đã phải hứng chịu nhiều gạch đá từ game thủ, trở thành một tựa game bom xịt thất bại thảm hại. Nhiều câu chuyện dần xuất hiện xoay quanh những trục trặc trong khâu phát triển game, và nhiều người đoán rằng vì nó quá khắc nghiệt nên Harris, cùng một vài người khác, buộc phải rời khỏi Bioware. Nhất là trường hợp của Harris thì bà đã rời khỏi ngành này luôn.
Nguồn: What Culture
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Top 10 tựa game đánh thức sự đáng sợ của vũ trụ rộng lớn trong tâm trí bạn
- Top 10 tựa game dính phốt vì chưa phát triển xong đã vội “phát hành”
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!