Nguồn máy tính là gì? Các thông số trên PSU bạn cần quan tâm
Mặc dù nguồn không có nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu năng tính toán của hệ thống nhưng chỉ có một bộ nguồn tốt mới đảm bảo được sự an toàn cho hệ thống và các linh kiện bên trong. Hãy cùng GEARVN tìm hiểu nguồn máy tính là gì và các thông số trên PSU bạn cần quan tâm ngay nhé!
Nguồn máy tính là gì?
PSU hay nguồn máy tính là thiết bị chuyển đổi dòng điện xoay chiều (AC) thành dòng điện 1 chiều (DC) để có thể sử dụng cho cho hệ thống máy tính. Nguồn giống như trái tim của hệ thống vậy, và một bộ nguồn tốt là một bộ nguồn có thể cung cấp dòng điện ổn định với điện áp hợp lý cho toàn bộ hệ thống. Thường thì khi xây dựng (build) một dàn máy tính, người ta thường không mấy quan tâm đến bộ nguồn.
Công suất nguồn máy tính được tính như thế nào?
Về công suất của một bộ nguồn ta có:
Total power (công suất tổng): Tổng suất mà bộ nguồn có thể cấp cho tất cả các đầu pin.
Continuous power (công suất ổn định): Công suất lớn nhất mà bộ nguồn có thể duy trì ổn định.
Peak power (công suất đỉnh): ngưỡng công suất tối đa mà bộ nguồn có thể chạm tới, thường chỉ có thể duy trì trong vài mili giây mà thôi.
Từ “công suất nguồn” mà chúng ta thường hay nghe thấy là để chỉ công suất tổng hoặc công suất ổn định.
Xem thêm : Chi tiết cách tính công suất nguồn cho máy tính, PC gaming
Ví dụ : chúng ta có một chip CPU là i3 10500F (có TDP là 65W) và VGA là RTX 2060 (có TDP là 160W) ở đây ta có thể ước lượng công suất vừa đủ là: 65 + 160 + 200 = 425W. Tuy nhiên, đó chỉ là mức công suất vừa đủ sử dụng, để có trải nghiệm tốt nhất thì chúng ta nên sử dụng nguồn có công suất đạt mức khuyến cáo của các nhà sản xuất linh kiện. Ví dụ như nVIDIA đề xuất một bộ nguồn máy tính có công suất ít nhất cho chiếc VGA 2060 là 500W để sản phẩm được hoạt động ổn định nhất.
Tiêu chuẩn 80Plus trên nguồn máy tính có ý nghĩa gì?
80Plus là một hệ thống chứng chỉ, là quy chuẩn chung về hiệu suất chất lượng của 1 sản phẩm nguồn máy tính. Ví dụ : 1 bộ nguồn đạt chuẩn 80Plus Standard thì theo hệ thống chứng chỉ 80Plus, bộ nguồn đó phải đạt hiệu suất 80% trên mọi mức tải, tức là nó phải chuyển đổi được ít nhất 80% năng lượng của dòng điện xoay chiều (AC) mà nó thu vào thành dòng điện 1 chiều (DC) để phục vụ cho hệ thống máy tính. Cũng có thể hiểu là công suất hao phí của bộ nguồn đó sẽ nằm dưới 20%.
Một bộ nguồn đã đạt chứng chỉ 80Plus thường sẽ được kiểm định rất kĩ càng và sẽ hiếm khi gặp trục trặc trong điều kiện được sử dụng đúng cách.
Hầu hết các sản phẩm nguồn của các nhà sản xuất uy tín đều đạt chứng chỉ 80Plus. Người dùng nên chọn những sản phẩm nguồn ít phất phải đạt chuẩn 80Plus Standard trở lên để có trải nghiệm tốt nhất.
Các kiểu dây nguồn máy tính bạn cần biết
Nếu đã tìm hiểu về nguồn trước đây thì có lẽ các bạn đã từng nghe tới những từ như “Modular“, “Non-Modular” và “Semi-Modular” rồi. Những từ này dùng để chỉ thiết kế cáp kết nối của nguồn
Modular: Nguồn Modular là một bộ nguồn máy tính cho phép tháo toàn bộ cáp kết nối, thiết kế cáp kiểu này rất phổ biến trên những bộ nguồn cao cấp. Cho phép người dùng có thể tháo những sợi cáp không cần thiết giúp đảm bảo tính thẩm mĩ và khả năng lưu thông khí trong case, đồng thời cũng dễ dàng sử dụng những bộ cáp nguồn custom để làm đẹp cho bộ case máy tính hơn.
Non-Modular: Đây là kiểu thiết kế thường thấy nhất, đa số những dàn PC thời điểm hiện tại đều dùng những bộ nguồn như thế này.
Semi-Modular: Là kiểu thiết kế cáp có những đường cáp chính như cáp 24 pin và cáp 8 pin là không thể tháo rời, những dây còn lại thì có thể tháo được tùy theo nhu cầu sử dụng.
Những kiểu thiết kế này thực chất không ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng dòng điện của nguồn. Việc chọn mua nguồn như thế nào chủ yếu chỉ phụ thuộc vào nhu cầu của người sử dụng mà thôi.
Trên đây là giải thích nguồn máy tính là gì và các thông số trên PSU bạn cần quan tâm của GEARVN. Hãy để lại bình luận về những chủ đề mà bạn đang thắc mắc, chúng mình sẽ lên bài viết giải đáp thắc mắc trong thời gian sớm nhất.