Phần mềm máy tính là gì? Có mấy loại phần mềm máy tính?
Cụm từ “phần mềm máy tính” rất quen thuộc với những ai có kiến thức am tường về công nghệ nói chung và về ngành máy tính nói riêng. Nhưng nếu bạn là một người mới chưa hiểu rõ về “phần mềm máy tính là gì” hay “có mấy loại phần mềm máy tính” thì cũng đừng ngần ngại tìm hiểu. GEARVN sẽ đem đến khái niệm và giải đáp được thắc mắc của bạn ngay bài viết bên dưới.
1. Phần mềm máy tính là gì?
Phần mềm máy tính (Computer Software) thường được gọi tắt là phần mềm (Software). Là một tập hợp gồm nhiều câu lệnh hay chỉ thị (Instruction) viết bằng một hoặc nhiều ngôn ngữ lập trình. Chúng được sắp xếp theo một trình tự xác định, dữ liệu hay tài liệu liên quan để phục vụ cho mục đích thực hiện một số chức năng, nhiệm vụ giải quyết các vấn đề nào đó.
Quy trình làm việc của phần mềm máy tính được liên kết với phần cứng máy tính (Computer Hardware). Phần mềm sẽ đưa ra các chỉ thị trực tiếp lên phần cứng để yêu cầu vận hành các chương trình hay phần mềm khác trên một hệ thống.
2. Có mấy loại phần mềm máy tính?
Vì nhu cầu giải quyết công việc và phục vụ cho những thao tác hằng ngày của người tiêu dùng mà hiện nay có rất nhiều phần mềm khác nhau. Ví dụ như phần mềm quản lý công việc, phần mềm kế toán, phần mềm kỹ thuật,... Chủ yếu được sử dụng nhiều trên các thiết bị công nghệ như máy tính bàn, laptop, điện thoại thông minh, máy tính bảng,...
Vậy hiện nay có mấy loại phần mềm máy tính? Phần mềm máy tính được chia làm 2 loại cơ bản: phần mềm hệ thống và phần mềm ứng dụng.
2.1 Phần mềm hệ thống
Phần mềm hệ thống được biết đến là các phần mềm chủ chốt giữ vai trò trong việc khởi động phần cứng và điều khiển các hoạt động trên toàn bộ máy tính sau khi bạn mở máy. Nếu máy tính không có phần mềm hệ thống sẽ không thể nào làm việc được, vì hệ thống sẽ không thể cài đặt các ứng dụng cần thiết cho một chiếc máy tính phục vụ các nhu cầu học tập, làm việc. Chiếc máy tính của bạn sẽ trở nên “vô dụng” không khác gì cục gạch. Một số ví dụ về phần mềm hệ thống quen thuộc mà bạn sử dụng hằng ngày là:
• Hệ điều hành (OS - Operating System): Là phần mềm dùng để kiểm soát và điều khiển toàn bộ phần mềm và phần cứng trên máy tính. Vai trò của OS là trung gian để bạn có thể giao tiếp với thiết bị một cách dễ dàng với phần giao diện riêng biệt theo từng hệ điều hành. Hiện nay có 2 hệ điều hành phổ biến và được nhiều người sử dụng trên khắp cả nước nói riêng và thế giới nói chung là Microsoft Windows và Apple Mac OS.
• BIOS (Basic Input/ Output System): Là hệ thống xuất nhập cơ bản của máy tính thường được đặt trên bo mạch chủ dưới dạng một con chip firmware. Khi bạn mở máy tính, BIOS sẽ được kích hoạt đầu tiên sau đó thực hiện nhiệm vụ “thức tỉnh” các linh kiện máy tính hoạt động. Đó là khởi chạy màn hình hiển thị, bắt tín hiệu và cho phép các thiết bị ngoại vi như (bàn phím, chuột, loa,...) hoạt động, khởi động hệ điều hành.
2.2 Phần mềm ứng dụng
Phần mềm ứng dụng là tập hợp các chương trình mà người thiết kế tạo ra nhằm giải quyết và đáp ứng một nhu cầu công việc cụ thể nào đó của bạn. Phần mềm ứng dụng không phải là phần mềm được cài đặt và gắn liền trên hệ thống máy tính. Chúng là một phần riêng biệt mà bạn có thể tải về sử dụng hoặc gỡ bỏ khỏi hệ thống nếu chúng không còn hữu ích với công việc hằng ngày. Giao diện trên các ứng dụng phần mềm sẽ thân thiện với người dùng và khá đơn giản để sử dụng mang đến nhiều tiện ích hấp dẫn cho quá trình sử dụng máy tính.
Một số phần mềm ứng dụng ai cũng biết khi sử dụng máy tính:
• Phần mềm văn phòng (Microsoft Office: Powerpoint, Word, Excel,...).
• Phần mềm diệt Virus (Kaspersky Security Cloud Free, Avast Free Antivirus, AVG Antivirus Free,...).
• Phần mềm thiết kế (Adobe Photoshop, Adobe Illustrator, Adobe Indesign,...).
• Phần mềm quản trị doanh nghiệp (ERP, CRM, SCM,...).
• Phần mềm giải trí (League of Legends, Dota, My Piano Phone,...).
Vậy là chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu qua định nghĩa về “phần mềm máy tính là gì? Có mấy loại phần mềm máy tính?”. Mong rằng nguồn thông tin GEARVN mang đến sẽ bổ ích cho những gì bạn đang tìm kiếm.