Những kiến thức về linh kiện cần biết trước khi tự build PC
PC vốn là thiết bị không còn xa lạ với người dùng công nghệ. Khi nhu cầu và đời sống ngày càng phát triển thì chúng ta càng muốn được chính tay tạo những bộ PC theo phong cách của riêng mình. Để build PC theo ý muốn cá nhân, bạn cần có kiến thức về những linh kiện tạo nên nó. Sau đây, GEARVN sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức về linh kiện nhằm giúp bạn build được bộ PC ưng ý nhất. OK đi nào !
CPU (Bộ vi xử lý máy tính)
Đóng vai trò là “bộ não” của bộ máy tính bàn, CPU hay vi xử lý đóng vai trò xử lý mọi tác vụ xảy ra trên bộ máy của chúng ta. Và chúng ta sẽ có 2 thương hiệu sản xuất CPU lớn nhất hiện nay, đó là Intel và AMD. Mỗi thương hiệu sẽ sở hữu khả năng tương thích và công nghệ riêng biệt cho một linh kiện cực kì quan trọng, đó là mainboard.
Tới đây, chức năng của socket phát huy khả năng của mình. Với Intel, những CPU của đội xanh thường sử dụng socket dạng LGA và đối với AMD sẽ là PGA đối với CPU Ryzen và LGA dành cho dòng CPU cao cấp, AMD Threadripper. Tuy nhiên, thế hệ Ryzen 7000 Series sẽ đã sở hữu cho mình socket LGA tương tự.
Tiếp theo, chúng ta sẽ cần chú ý đến những thông số của CPU như xung nhịp, số nhân và luồng. Hãy cân nhắc và lựa chọn giữa CPU với nhau, điều này còn căn cứ vào nhu cầu sử dụng của bạn.
Mainboard (Bo mạch chủ)
Nếu CPU là “đầu não” thì chắc hẳn mainboard chính là bộ khung dành cho mọi linh kiện máy tính được lắp đặt. Với chức năng liên kết tất cả những linh kiện, mainboard tạo nên một khối sức mạnh thống nhất khi hòa quyện mọi khả năng của những CPU, RAM, VGA.
Mainboard cũng được chia theo từng kích thước từ nhỏ đến lớn với: mini-ITX (17x17cm), micro-ATX (24.4x24.4cm) và ATX (30.5x24.4cm). Đó cũng chính là kích thước mainboard hỗ trợ mà chúng ta có thể thấy trên những chiếc case máy tính ngày nay.
Sau khi xem xét về kích thước, chúng ta cùng tới với chi tiết không thể bỏ qua, đó là chipset trên mainboard. Mỗi chipset sẽ tương ứng với một trong hai thương hiệu CPU như GEARVN đã nhắc đến ở trên là Intel và AMD. Với Intel, hiện nay chúng ta sẽ cần có những mainboard sở hữu chipset H610, B660, B760, Z690 và Z790. Còn đối với AMD, chúng ta sẽ có những chipset như A320, B550, B650, X570 và X670. Những chipset riêng biệt sẽ tương thích với những thế hệ CPU riêng biệt, vì vậy hãy cân nhắc thật kỹ trước khi lựa chọn mainboard dành cho CPU của mình.
Ngoài ra, những tính năng đi kèm như Bluetooth, Wi-Fi trên mainboard sẽ là tiện ích dành cho yêu cầu sử dụng cá nhân. Bạn có thể cân nhắc và đầu tư thêm cho chính bộ PC của mình.
Card màn hình (VGA hay GPU)
Nếu là một game thủ thì chắc hẳn đây chính là những thứ mà bạn mong chờ. Card màn hình hay VGA đóng vai trò xử lý đồ họa cho những tác vụ liên quan đến hình ảnh như photoshop, edit video, chơi game. Kết nối với mainboard thông qua khe PCIe ngay trên mainboard và cổng VGA trên màn hình, card màn hình cần tận dụng mọi nguồn tài nguyên trên hỗ trợ cho khả năng hoạt động của GPU trong sản phẩm.
Hiệu năng của một chiếc VGA được định đoạt bởi GPU của chính nó và có 2 nhà sản xuất GPU hàng đầu hiện nay, đó là NVIDIA và AMD. Khi GPU được tạo ra từ 2 nhà sản xuất này sẽ đến lượt những thương hiệu gia công như MSI, ASUS, GIGABYTE đem về và tạo nên sản phẩm hoàn thiện khẳng định cho thương hiệu của mình. Ở mỗi sản phẩm card màn hình, chúng sẽ sở hữu một thiết kế và vẻ ngoài đặc biệt cho bạn thoải mái lựa chọn sản phẩm tuyệt vời nhất dành cho vẻ đẹp của bộ PC. Một số GPU nổi tiếng hiện nay như thế hệ RTX 40 Series gồm RTX 4070 Ti, RTX 4080 và RTX 4090 từ NVIDIA; và thế hệ RX6000 gồm RX 6600, RX 6700 từ AMD.
RAM
RAM vốn là linh kiện có mặt trên mọi thiết bị từ máy tính bàn đến laptop. Được gọi là bộ nhớ nhưng RAM đóng vai trò lưu trữ một cách tạm thời, chính xác thì RAM sẽ lưu trữ những dữ liệu ở khu vực truy cập nhanh trên máy tính rồi cung cấp đến người dùng khi được yêu cầu. Điều này giúp người dùng nhanh chóng mở những phần mềm, chương trình ngay khi nhận được tương tác từ người dùng.
Ở RAM, chúng ta đã từng có thế hệ DDR4 huyền thoại chinh chiến với nhiều thế hệ cấu hình PC khác nhau. Đến nay, kế thừa và phát triển những sức mạnh ấy là thế hệ RAM DDR5 tiên tiến mang trong mình những chỉ số sức mạnh mới nhất và mạnh mẽ nhất cho dành cho PC Gaming.
Dung lượng RAM cũng là điều khiến mọi người dùng khi build PC đều băn khoăn. Với những nhu cầu sử dụng như hiện nay thì mức RAM 8GB trở lên chính là con số tuyệt vời cho mọi cấu hình PC hiện nay. Nếu có thể cung cấp nguồn kinh phí cao hơn thì bạn có thể nghĩ tới những mức dung lượng cao như 16GB, 32GB dành cho bộ PC của mình. Cùng với đó là phần tốc độ (MHz) ở mỗi kit RAM ở từng model sản phẩm.
Một điều không kém phần quan trọng đó là cách lắp RAM, hãy luôn trang bị RAM theo cách Dual-RAM. Tức là lắp từ 2 thanh RAM trở lên với mọi dung lượng, ví dụ như với dung lượng 8GB hãy sử dụng 2 thanh RAM 4GB, 16GB là 2 thanh 8GB. Điều này sẽ giúp đẩy hiệu năng lên mức tối đa giúp bạn có thể tận dụng được sức mạnh từ những kit RAM.
Ổ cứng (SSD/HDD)
Mọi dữ liệu chúng ta sử dụng trên PC sẽ được lưu trữ ở linh kiện mang tên ổ cứng. Thường được biết đến với những cái tên như ổ cứng SSD hay HDD, những thiết bị ổ cứng ngày càng được phát triển nhằm phục vụ tốt nhất cho người dùng máy tính.
HDD vốn là chuẩn ổ cứng lưu trữ xuất hiện trên mọi cấu hình máy tính trong thời gian trước đây và sự ra đời của SSD đã thay đổi tất cả, biến chính HDD ở thành vai phụ trong “bộ phim” của chính mình. Hiện nay, SSD đã trở thành chuẩn ổ cứng lưu có mặt trên mọi thiết bị từ laptop đến máy tính bàn nhờ vào khả năng hoạt động cùng tuổi thọ sử dụng bền bỉ, khỏa lấp gần như mọi điểm yếu mà HDD từng mang tới.
Ở những chiếc ổ cứng SSD, chúng ta cũng có những loại SSD khác nhau với các kết nối khác nhau như SATA và PCIe NVMe. Ở chuẩn SATA, chúng dễ dàng được tìm thấy trên phân khúc SSD giá rẻ và phổ thông, phù hợp cho nhu cầu sử dụng đơn giản đến trung bình. Còn đối PCIe, đây là phương thức kết nối tiêu chuẩn dành cho NVMe sở hữu công nghệ cùng khả năng truyền tải mạnh mẽ vượt trội so với chuẩn SATA, vì vậy những chiếc SSD NVMe thường có mức giá khá cao và phục vụ cho những nhu cầu sử dụng cao và nặng.
Tối ưu cho khả năng sử dụng cá nhân, bạn có thể thoải mái trang bị mức dung lượng phù hợp với nhu cầu. Mức dung lượng cơ bản mà GEARVN khuyến nghị cho các bạn đó là từ 256GB SSD trở lên, kèm với đó là một chiếc ổ cứng 1TB HDD để lưu những dữ liệu như game, file, phần mềm. Tùy vào mức kinh phí sở hữu mà bạn có thể trang bị dung lượng SSD lớn hẳn cho bộ máy của mình.
Nguồn máy tính (PSU)
Mọi linh kiện trong bộ PC sau khi được kết nối với nhau sẽ cần nguồn năng lượng giúp cho đảm bảo khả năng làm việc cho chúng, đó chính là công dụng của PSU hay nguồn máy tính. Đến với PSU thì chắc hẳn các bạn cũng đã từng nghe qua những con số liên quan đến công suất với đơn vị Watt. Tùy theo cấu hình mà chúng ta cần sử dụng bộ nguồn trang bị công suất thích hợp cho chúng để có thể đảm bảo khả năng hoạt động bền bỉ. Bạn có thể tham khảo trực tiếp từ những nguồn thông tin online như các trang web từ Cooler Master, Newegg hoặc đến trực tiếp những địa điểm build PC uy tín như GEARVN để được lắng nghe tư vấn từ những nhân viên tận tình và chuyên môn cao của chúng mình.
Cùng với đó là kiểu dây của những chiếc PSU, bao gồm 3 kiểu là Full Modular, Semi Modular và Non Modular. Ở mỗi kiểu dây sẽ có những thế mạnh riêng phù hợp với cách lắp đặt và nhu cầu sử dụng từ người dùng.
Một điều không thể thiếu trên những chiếc nguồn là chứng nhận 80 Plus. Được chia thành các cấp độ từ thấp đến cao là trắng (White), đồng (Bronze), bạc (Silver), vàng (Gold), bạch kim (Platinum) và titan (Titanium), chuẩn 80 Plus thể hiện cho hiệu suất năng lượng từ những chiếc PSU từ mức 82% tới 92%. Ở phần này, bạn có thể thoải mái lựa chọn cho mình chiếc nguồn ưng ý nhất là được nhé.
Case máy tính
Cuối cùng và cũng là bộ mặt của toàn bộ dàn PC của chúng ta - case máy tính, là nơi chứa tất cả những trang linh kiện máy tính ở trên. Không chỉ cần quan tâm về phần ngoại hình, chúng ta cần lưu ý đến một số đặc điểm tối quan trọng khác của case như khả năng thoát khí và kích thước của sản phẩm.
Đầu tiên, chúng ta sẽ đến với kích thước của case. Được chia ra thành 4 form từ nhỏ đến lớn: small form factor, mini tower, mid tower và full tower, mỗi form case case máy tính sẽ có những linh kiện cùng kích thước tương thích.
• Small form factor: Dành cho những linh kiện có kích thước Mini-ITX.
• Mini Tower: Dành cho những linh kiện có kích thước Micro-ATX.
• Mid Tower: Dành cho những linh kiện có kích thước ATX.
• Full Tower: Dành cho những linh kiện có kích thước E-ATX.
Tiếp theo, chúng ta đến với khả năng thoát khí hay tản nhiệt của case máy tính. Chúng ta cần đảm chiếc case sẽ có đầy đủ không gian, khu vực để đáp ứng khả năng vào và ra của không khí. Điều này sẽ đặt cho bộ PC một nền tảng với môi trường tự nhiên tốt. Và khi đó, chúng ta sẽ có thể cân nhắc đến việc trang bị thêm những thiết bị tản nhiệt như fan tản nhiệt, tản nhiệt nước hoặc là hệ thống tản nhiệt nước custom.
Thiết bị tản nhiệt
Vốn không được ưa chuộng và đánh giá cao hiệu quả trong quá khứ nhưng hiện nay, những thiết bị tản nhiệt ngày càng thể hiện và khẳng định chỗ đứng của mình trong mọi yêu cầu build PC. Đây là sự cần thiết khi hiệu năng của những linh kiện ngày càng được gia tăng nên trong quá trình hoạt động sẽ sản sinh rất nhiều nhiệt lượng gây ra tình trạng quá nhiệt (overheat). Nếu kéo dài tình trạng ấy, có thể khiến cho các thiết bị tụt giảm về hiệu suất hoạt động và gây hư hỏng.
Các thiết bị tản nhiệt được phân chia ra rất nhiều loại nhưng chúng ta có thể điểm danh 3 kiểu thiết bị phổ nhất là tản nhiệt CPU, fan tản nhiệt và tản nhiệt AIO (tản nhiệt nước).
Đối với tản nhiệt CPU hay còn gọi là tản nhiệt tháp, đúng như tên gọi thì đây là thiết bị tập trung khả năng tản nhiệt cho vi xử lý máy tính. Thiết bị phụ thuộc vào khả năng thoát nhiệt nhờ những chiếc fan trên thiết bị và tiếp xúc trực tiếp với CPU. Nếu muốn trang bị vào bộ PC, hãy chú ý vào độ cao mà thiết bị này yêu cầu bên trong case cùng với công suất tản nhiệt (TDP) để có thể lựa chọn chiếc tản nhiệt CPU phù hợp nhất nhé.
Ngày càng được lựa chọn nhiều và trở thành lựa chọn tối ưu nhất cho khả năng tản nhiệt của PC, tản nhiệt AIO thường sở hữu thiết kế tuyệt vời cùng những công nghệ tản nhiệt tiên tiến nhất. Kết hợp hoàn hảo giữa khí và nước, tản nhiệt AIO mang lại khả năng tối ưu nhiệt độ nhanh chóng và tuyệt vời nhất cho người dùng. Nhớ kiểm tra kỹ kích thước của từng thiết bị tản nhiệt nước: 240mm, 280mm, 360mm, 420mm để có thể chọn sản phẩm phù hợp nhất với chiếc case của chúng ta.
Với fan tản nhiệt thì đây là những chiếc quạt được lắp đặt xung quanh trong case, bạn có thể dễ dàng lựa chọn giữa những kích thước 120mm, 140mm. Không chỉ đáp ứng nhu cầu tản nhiệt, những thiết bị tản nhiệt còn giúp tô điểm cho dàn PC của chúng ta với rất nhiều thiết kế và hiệu ứng đa dạng.
Thiết bị ngoại vi
Sau khi đã hoàn thành bộ máy cho khả năng sử dụng, chúng ta sẽ cần những công cụ giúp tương tác với chúng, đó là lúc những thiết bị ngoại vi như bàn phím, chuột máy tính và màn hình xuất hiện. Đối với một game thủ, chúng ta sẽ cân nhắc đến những thiết bị gaming gear thuộc về phân khúc bàn phím cơ, chuột gaming để mang lại trải nghiệm sử dụng tốt nhất.
Với màn hình máy tính, chúng ta có thể tham khảo những chuẩn màn hình thi đấu từ các sự kiện trên thế giới. Từ đó, chọn mua màn hình theo dòng game mình chơi. Nếu đó là những tựa game MOBA, chiến thuật hay FPS, chúng ta cần chú tâm vào kích thước và tần số quét để đảm bảo lợi thế trong trận chiến của mình. Còn đối với tựa game AAA thì chúng ta cần có yêu cầu cao về độ sắc nét, chuẩn màu để mang lại hình ảnh tuyệt vời nhất mà tựa game muốn mang tới.
Trên đây là những kiến thức về linh kiện khi tự build PC từ GEARVN. Nếu các bạn có bất kì thắc mắc nào về nội dung ở trên, hãy để lại bình luận bên dưới và chúng mình cùng nhau giải đáp nhé. Hẹn gặp lại các bạn trong những bài viết tiếp theo trên GEARVN - Blog Thủ Thuật !