Giải mã logo “Energy Star” đầy bí ẩn thường thấy trên laptop
Theo tên gọi thì “Energy Star” sẽ giúp tiết kiệm điện đó, nhưng cụ thể là tiết kiệm như thế nào? Mời các bạn cùng tìm hiểu nhé.
Mỗi khi bạn mở máy tính lên, hoặc trên laptop bạn mua thường sẽ có cái sticker in logo “Energy Star” màu xanh dương quen thuộc. Đối với đa số người dùng thì hiệu suất tiêu thụ điện năng (energy efficiency) thường sẽ không phải là yếu tố được quan tâm hàng đầu khi chọn mua sản phẩm, nhưng sẽ có bạn thắc mắc việc nó xuất hiện ở nhiều nơi hẳn phải mang một ý nghĩa lớn nào đó. Trong khuôn khổ bài viết này, mời các bạn cùng GVN 360 tìm hiểu về logo này nhé.
Nguồn gốc chuẩn Energy Star
Energy Star là một chương trình của chính phủ Mỹ được giới thiệu bởi Cục Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (EPA) hồi năm 1992. Và mặc dù đây là một sáng kiến của Mỹ, chương trình này cũng có mặt tại Canada, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Đài Loan.
Ý tưởng ở đây là để dán nhãn cho các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, từ bóng đèn cho đến PC, thậm chí là nguyên cả một toà nhà luôn. Và ngay cả khi bạn không quan tâm về vấn đề môi trường thì chứng nhận này cũng được thiết kế để giúp bạn tiết kiệm tiền điện hàng tháng đó nha.
Chương trình này hoạt động bằng cách đặt ra một số tiêu chuẩn nhất định cho các loại sản phẩm khác nhau. Giờ chúng ta cùng xem xem nhãn Engergy Star sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với người dùng PC nhé.
Ý nghĩa chuẩn Energy Star
Đầu tiên là với PC và bộ nguồn. Một chiếc PC đạt chuẩn Energy Star sẽ phải hoạt động ở mức ít nhất là 80-Plus Bronze. Điều này có nghĩa là nó phải chạy với hiệu suất chuyển đổi năng lượng ở mức 82% khi đang chịu tải 20% hoặc 100%, và ở mức 85% khi đang chịu tải 50%.
Xong PC, giờ đến TV thì nó lại có một công thức phức tạp hơn một xíu (nếu không muốn nói là khá nghiêm ngặt) để xác định xem sản phẩm đó có đạt chuẩn hay không. Một chiếc TV kích thước 55-inch không được phép tiêu thụ nhiều hơn 57W, 65-inch thì không được quá 69W. Mặc dù hầu hết TV hiện nay đều kết nối với Internet ngay cả khi đã tắt, TV đạt chuẩn Engergy Star không được phép dùng nhiều hơn 3W khi đang ở trong trạng thái này.
Một trường hợp quen thuộc khác là máy giặt. Engery Star lúc này sẽ được định lượng theo các tính chất về năng lượng (energy factor). Đây sẽ là những con số được tính toán phần lớn dựa trên mức năng lượng mà máy giặt sẽ ngốn để giặt 1 lbs (0,45 kg) đồ. Những tính chất này sẽ không quá hữu ích đối với người tiêu dùng, nhưng theo lý thuyết thì những chiếc máy giặt đạt chuẩn sẽ tiết kiệm điện 25% và tiết kiệm nước 33% so với những mẫu không đạt chuẩn. Còn máy sấy khô quần áo (dryer) đạt chuẩn thì sẽ tiết kiệm điện 20%.
Hầu hết những bóng đèn LED hiện nay (dù có đạt chuẩn Energy Star hay không) đều tiết kiệm điện hơn nhiều so với những chiếc bóng đèn dây tóc ngày trước. Khác biệt ở đây là những bóng đèn đạt chuẩn Energy Star sẽ bền theo năm tháng, đúng với tuổi thọ mà hãng ghi trên bao bì (ít nhất là tầm 15.000 giờ), và vẫn giữ được độ sáng ở một mức nào đó sau thời gian dài sử dụng. Chúng cũng không được phép tiêu thụ nhiều hơn 0,5W khi đang tắt.
Có một thông tin thú vị là có ngôi nhà đạt chuẩn Energy Star luôn nhé. Chúng sẽ cách nhiệt tốt hơn, có trần nhà và cửa sổ được làm bằng chất liệu xịn hơn, sử dụng hệ thống điều hòa không khí tối ưu hơn, giúp bạn tiết kiệm điện từ 20% đến 30% so với những ngôi nhà không đạt chuẩn.
Việc chi thêm tiền để mua sản phẩm Energy Star liệu có đáng hay không?
Việc thử nghiệm tất cả các sản phẩm sẽ phải được thực hiện trong phòng thí nghiệm đạt chuẩn trước khi logo Energy Star được dán lên các sản phẩm đó. Những bài thử nghiệm ngẫu nhiên cũng sẽ được thực hiện để bảo đảm các công ty không bán những sản phẩm chưa đạt chuẩn sau khi có được chứng nhận.
Vậy thì việc bỏ tiền thêm cho những sản phẩm đạt chuẩn Energy Star có đáng hay không, nhất là khi nói về khía cạnh lượng điện mà bạn tiết kiệm được? Câu trả lời là cũng còn tùy các bạn ạ. Các sản phẩm Energy Star tất nhiên sẽ tiết kiệm điện hơn rất nhiều so với những sản phẩm từ năm “1900 hồi đó”. Nhưng khi so sánh những sản phẩm ngày nay với nhau thì sự khác biệt giữa sản phẩm đạt chuẩn và không đạt chuẩn lúc này lại chưa chắc là đủ thuyết phục cho lắm.
Bạn nên xem xem giá điện nơi bản ở là bao nhiêu và mỗi sản phẩm sẽ tiêu thụ bao nhiêu điện trước khi chi thêm tiền để mua những sản phẩm đạt chuẩn Energy Star nhé. Bạn sẽ không muốn mua một chiếc tủ lạnh giá gần 50 triệu đồng chỉ để tiết kiệm… 50.000 đồng trước khi nó bị hư vì môđun WiFi trong tủ lạnh “giở chứng” đâu.
Hi vọng thông tin trên sẽ giúp bạn khám phá ra những điều mới mẻ về thế giới công nghệ. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Giải mã biểu tượng “chiếc lá” trong task manager của Windows 10
- Giải mã nguồn gốc biểu tượng Command đầy bí ẩn trên bàn phím của Apple
- Giải mã ý nghĩa các màu sắc của cổng USB
- Giải mã từ “bug” máy tính và nguồn gốc của con “côn trùng” đã hành game thủ PC lên bờ xuống ruộng
- Giải mã S.M.A.R.T. – Công nghệ giúp ổ cứng trở nên “thông minh” hơn
Nguồn: Techquickie