Tìm hiểu về quạt đệm từ - Loại quạt vừa yên lặng vừa bền bỉ
Mời các bạn cùng GVN 360 tìm hiểu về độ “bá đạo” của quạt đệm từ nhé.
Hầu như máy tính nào cũng cần bộ phận tản nhiệt, và đối với người dùng phổ thông như chúng ta thì quạt sẽ là lựa chọn phổ biến nhất, giúp xua tan cái nóng để làm mát cho các linh kiện. Tuy nhiên, bản thân quạt cũng có những hạn chế của nó. Dễ thấy nhất là chúng ồn và dần dần sẽ bị hao mòn. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay lại có một loại quạt vừa siêu êm vừa bền hơn rất nhiều so với nhiều linh kiện trong máy tính đó nha. Chúng được gọi là quạt “magnetic levitation” (gọi tắt là maglev), hoặc đôi khi bạn nghe cụm “quạt đệm từ” thì cũng là nó đó. Nôm na thì chúng cũng hoạt động dựa trên cơ chế tương tự tàu đệm từ xịn sò ở Nhật Bản, Hàn Quốc, vân vân.
Nguyên lý hoạt động của quạt maglev giống với tàu đệm từ
Mỗi chiếc quạt đều cần có một ổ đỡ trục (bearing) ở giữa để giữ phần trục của quạt (fan shaft) và chỉ cho phép nó quay theo 1 chiều nhất định. Riêng đối với trường hợp của quạt đệm từ thì cơ chế hoạt động của nó rất là thú vị luôn nhé.
Ổ đỡ trục maglev sẽ không tiếp xúc trực tiếp với trục của quạt, mà thay vào đó thì nó sẽ dùng các cục nam châm để giữ cho quạt vừa cân bằng và ổn định, vừa nằm lơ lửng giữa không trung, đồng thời khiến cho quạt quay nhờ vào sự khác biệt giữa các cực của nam châm.
Nó cũng giống như tàu đệm từ nằm lơ lửng trên đường ray nhờ vào lực đẩy từ tính, và sự khác biệt giữa các cực nam châm trên đường ray sẽ vừa đẩy và vừa kéo con tàu về phía trước.
Tuy nhiên, quạt maglev khác tàu đệm từ ở chỗ ưu điểm chính của nó là không nhất thiết phải chạy với tốc độ nhanh chóng mặt. Thực chất, do phần trục của quạt không tiếp xúc trực tiếp với ổ đỡ trục nên gần như không có hiện tượng ma sát nào xảy ra ở đây cả. Hầu hết các loại ổ đỡ trục được trang bị cho những chiếc quạt trong máy tính sẽ cần phải tiếp xúc trực tiếp với phần trục; hệ quả là nó vừa tạo ra tiếng ồn khó chịu, vừa khiến quạt bị giảm tuổi thọ.
Các loại ổ đỡ trục phổ biến dạng bạc lót hình ống (sleeve bearing) và dạng bi (ball bearing) sẽ khắc phục vấn đề này bằng cách dùng dầu bôi trơn. Tuy nhiên, chuyện ma sát và dầu bị khô kiểu gì cũng xảy ra, và sớm muộn gì bạn cũng phải thay quạt.
Ưu điểm của quạt đệm từ
Đối với quạt maglev thì những vấn đề trên hầu như chẳng bao giờ xảy ra, và chúng có thể sống rất dai luôn nhé. Corsair – một trong những hãng nổi tiếng chuyên sản xuất quạt đệm từ – tuyên bố quạt maglev của họ có độ bền trung bình lên tới 200.000 giờ, tức là gần 23 năm sử dụng liên tục thì mới phải thay thế.
Một lợi thế lớn khác của quạt đệm từ đó là nó chạy rất êm ái. Do phần chuyển động của chiếc quạt không tiếp xúc với ổ đỡ trục nên âm thanh duy nhất mà bạn nghe được là tiếng gió được thổi qua các cánh quạt. Nếu quay ở tốc độ chậm thì quạt đệm từ gần như là yên lặng luôn, và tất nhiên là chúng cũng yên lặng hơn nhiều so với các loại quạt khác khi chạy hết tốc lực.
Nhược điểm của quạt đệm từ
Ừ thì biết là quạt maglev xịn sò rồi đó, nhưng cái gì cũng có 2 mặt của nó, vậy thì điểm yếu của quạt maglev là gì? Có một điều mà hẳn nhiều bạn cũng đã đoán được, đó là quạt maglev có giá thành thuộc hàng đắt đỏ nhất trong ngành hàng quạt PC.
Hơn nữa, do quạt đệm từ vẫn chưa phổ biến bằng những loại quạt khác nên mẫu mã cũng sẽ không đa dạng bằng. Về mặt hiệu năng làm mát thì quạt maglev thường sẽ không cách biệt quá nhiều so với những loại quạt khác, cho nên bạn cũng đừng kỳ vọng là nó sẽ giúp PC của bạn mát hơn cả chục độ C nhé.
Ngoài ra, quạt maglev cũng không hề “bất tử” đâu nhé, dù cho phần trục không có ma sát với ổ đỡ trục. Lý do là vì bụi bẩn vẫn có thể làm hỏng quạt, và mạch điện tử nằm bên trong vẫn có tuổi thọ hẳn hoi các bạn nhé. Nhưng dù sao đi nữa thì bạn cũng không nhất thiết phải quá lo lắng về vấn đề này đâu, vì chúng dư sức hoạt động bền bỉ trong suốt vòng đời của dàn PC mà bạn đang xài.
Hi vọng thông tin trên sẽ giúp bạn khám phá ra những điều mới mẻ về thế giới công nghệ. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Tìm hiểu về các loại trục của quạt tản nhiệt, thành phần quan trọng nhưng thường bị bỏ quên
- Vì sao người ta thường lắp quạt trong case sao cho có áp suất dương?
- Ưu nhược của tản khí không quạt so với tản có quạt
- Quạt xịn thì nó hơn quạt bình dân chỗ nào?
- Quạt PWM 4 chân có gì khác so với quạt 3 chân?
- Phân biệt quạt High airflow và quạt Static pressure, loại nào mới phù hợp cho PC của bạn?
- Hướng dẫn tùy chỉnh tốc độ quạt của card đồ họa bằng MSI Afterburner
- Điều chỉnh tốc độ quạt từ laptop đến PC với ứng dụng HWiNFO
- 5 điều bạn cần lưu ý khi chọn quạt RGB
Nguồn: Techquickie