Tìm hiểu vì sao GPU mobile ngày nay lại mạnh không thua gì GPU desktop
GPU mobile hiện nay có mấy mẫu mạnh không hề kém cạnh so với GPU desktop, và sau đây sẽ là nguyên nhân vì sao lại có điều kỳ diệu đó.
Đã là dân công nghệ thì hẳn ai cũng đều biết một sự thật là chúng ta không thể gắn GPU desktop vào trong một con laptop được. Dù vậy, những chiếc laptop gaming hiện nay vẫn được trang bị GPU rời với hiệu năng gần như tương đương với một số mẫu card đồ họa desktop. Vậy thì các hãng laptop đã làm điều đó như thế nào? Mời các bạn cùng GVN 360 tìm hiểu trong bài viết này nhé.
GPU và câu chuyện về điện năng tiêu thụ
GPU về bản chất là một vi xử lý, cho nên nó cũng nhận được những cải tiến giống như bao vi xử lý khác qua từng năm. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc giảm kích thước của bóng bán dẫn. Điều này có nghĩa là GPU thế hệ mới sẽ có nhiều bóng bán dẫn hơn, và đồng thời ngốn ít điện hơn.
Khoảng 10 năm về trước, GPU mobile yếu hơn rất nhiều so với GPU phiên bản desktop. Nhưng dần dần, mức hiệu năng trên điện năng tiêu thụ (performance-per-watt) được tăng lên, đến mức các hãng sản xuất có thể gắn GPU hiệu năng cao vào trong chiếc laptop.
Một ví dụ điển hình là GPU Nvidia GeForce GTX 1080 (ra mắt năm 2016) phiên bản desktop lẫn laptop về cơ bản thì chúng đều là cùng 1 con chip đó nha. Đúng là GPU desktop thì to nạc đó, ngốn nhiều điện đó, nhưng sỡ dĩ một chiếc laptop gaming mỏng nhẹ có thể gắn được GPU này vào bên trong là nhờ một vài lý do khác nhau.
Đầu tiên, GPU desktop có kích thước bự chảng một phần là vì chúng không nhất thiết phải nhỏ gọn để gắn vừa vào thùng PC mid-tower vốn rất phổ biến trên thị trường. Chúng vẫn cần những linh kiện phụ trợ như VRAM, VRM, nhưng các kỹ sư vẫn có thể nhồi nhét chúng vào 1 không gian hạn chế nếu cần. Một trong những ví dụ dễ thấy nhất là các mẫu card đồ họa desktop phiên bản mini, được thiết kế dành cho những thùng máy nhỏ gọn.
Card đồ họa desktop được thiết kế to nạc là để cấp nhiều điện hơn, tản nhiệt tốt hơn so với laptop. Tuy nhiên, có rất nhiều GPU hiện nay không cần nhiều điện đến như thế mới có thể hoạt động. Chẳng hạn, card RTX 3060 tầm trung có TDP chỉ 170W mà thôi. Sở dĩ bạn thường thấy bộ nguồn desktop có công suất từ 600W đến 800W là vì nó còn cấp điện cho những linh kiện ngốn điện khác nữa, như CPU chẳng hạn.
Một lý do khác nữa là PSU desktop thường sẽ hoạt động hiệu quả nhất (most efficient) khi chịu tải khoảng 50% công suất; cho nên những ai rành về PC hầu như sẽ không chọn bộ nguồn mà lúc nào nó cũng phải chạy hết công suất cả.
Vậy thì GPU gaming dành cho laptop cần bao nhiêu điện năng?
Ngay cả laptop gaming cao cấp đôi lúc cũng chỉ đi kèm với cục nguồn tầm 200W đến 300W mà thôi. Thậm chí, cho dù hãng laptop quyết định gắn GPU mobile gần như tương đồng với phiên bản desktop thì chúng cũng chạy với xung nhịp và mức điện áp trần (power limit) thấp hơn. Ừ thì fps trong game sẽ bị ảnh hưởng đó, nhưng hiệu năng mà bạn có được với GPU mobile gần như là tương đương với phiên bản desktop khi kết hợp với CPU mobile ít ngốn điện hơn.
Cục nguồn cho những chiếc laptop gaming này thường sẽ to và nặng hơn so với cục nguồn của những mẫu laptop mỏng nhẹ khác. Dù vậy, chúng vẫn đủ nhỏ để bạn bỏ vào balô để mang theo bên mình.
Tuy nhiên, bạn vẫn nên xem kỹ GPU mobile mà mình sắp mua có thông số như thế nào nhé. Như trường hợp GTX 1080 có đề cập ở trên thì GPU desktop lẫn mobile gần như là 1, nhưng với những dòng card đồ họa hiện nay như Nvidia RTX 3080 thì phiên bản mobile sẽ có ít nhân và ít VRAM hơn so với bản desktop. Nvidia đều gọi cả 2 là RTX 3080, và đây chỉ là 1 trong rất nhiều trường hợp đặt tên “hack não” của các hãng công nghệ.
Vì thế cho nên bạn hãy xem kỹ cấu hình cũng như là bài review về sản phẩm định mua để biết rõ mức hiệu năng của nó đến đâu nhé. Hi vọng thông tin trên sẽ giúp bạn khám phá ra những điều mới mẻ về thế giới công nghệ. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Vì sao chúng ta không thể gắn GPU lên bo mạch chủ như CPU? Đây là câu trả lời cho bạn
- Tìm hiểu về sự khác biệt bên trong CPU Intel và AMD
Nguồn: Techquickie