Top 10 màn chơi khiến game thủ cảm thấy ức chế tột độ
Game là một nơi cho phép người chơi thoải mái thả mình vào thế giới kì ảo, chiến đấu chống lại những thế lực thù địch với những sức mạnh siêu nhiên. Ngược lại, cũng có những game khiến bạn cảm thấy vô cùng khó chịu, bất lực và chỉ muốn tắt máy tính và đi ra ngoài cho thư thả đầu óc. Nguyên nhân có thể là do cơ chế của game kì lạ, hoặc màn chơi quá khó mà nhà phát triển tạo ra nhằm thử thách người chơi, nhưng vô tình lại khiến game thủ cảm thấy ức chế. Sau đây là top 10 màn chơi khiến game thủ cảm thấy ức chế tột độ.
Lần theo vết máu – Max Payne
Nhắc tới game Max Payne kinh điển thì thường sẽ nhớ ngay đến 3 thứ: cơ chế bắn súng slow-mo (quay chậm thời gian) nhìn y như trong phim điện ảnh, gương mặt co rúm của Max Payne, và đặc biệt là cái màn yêu cầu bạn phải lần theo vết máu trong bóng tối.
Trong màn này, Max sẽ nhớ lại cái đêm mà gia đình anh ta bị giết, và bạn sẽ phải lần theo vết máu trên sàn nhà. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng sẽ đến một đoạn vết máu bắt đầu tách ra thành nhiều hướng khác nhau. Lúc này, bạn sẽ phải mò mẫm trong bóng tối để đi đến đích, và tất nhiên trên đường đi thì bạn sẽ chết không ít lần.
Vào thời điểm Max Payne ra mắt thì thể loại game 3D vẫn chưa thực sự được trau chuốt cho lắm, và thường thì game thủ sẽ phải thử đi thử lại, hết lần này đến lần khác mới qua được màn tiếp theo. Vả lại, trong một tựa game bắn súng ì đùng như thế này thì chèn thêm một phân cảnh như trên vào sẽ khiến mạch game bị đứt đoạn, làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của người chơi.
Bất kì màn nào của người chơi khác tạo ra – Mario Maker
Đây là một tựa game cho phép các bạn tự do biến tấu màn chơi theo sự sáng tạo của mình. Dĩ nhiên, trong số đó đã có không ít game thủ tạo ra những màn chơi cực kì oái oăm, với mục đích là để thấy những game thủ khác khóc ròng khi chấp nhận thử thách của màn chơi đó. Đã có vô số màn chơi siêu khó được tạo ra trong series này, nhưng có “phá đảo” được hay không thì câu trả lời là có nhé các bạn.
Lý do là vì muốn màn chơi của mình được “lên sóng” cho những người khác có thể tải về chơi thì chính tác giả phải hoàn thành được màn chơi đó. Cho nên có thể nói không có gì là bất khả thi trong Mario Maker cả, và lúc nào cũng sẽ có một người khác hoàn thành màn chơi đó trước bạn.
Đường hầm siêu tốc – Battletoads
Nhiều người sẽ cảm thấy rằng Battletoads được tạo ra là để khiến những bạn nhỏ chơi game này cảm thấy buồn bã, thất vọng vì biết được rằng thế giới ngoài kia chỉ toàn là khổ đau và nghiệt ngã. Trong đó, Turbo Tunnel (tạm dịch: đường hầm siêu tốc) là minh chứng rõ ràng nhất cho chuyện này, và đây chỉ mới là màn thứ ba thôi nhé.
Khúc mở đầu khá là dễ, nhưng một khi bạn đã leo lên xe rồi thì phía trước sẽ là một đoạn đường đầy chông gai và thử thách. Vì chiếc xe này chạy rất nhanh nên bạn phải thật nhanh tay lẹ mắt để kịp phản xạ và né chướng ngại vật. Đã vậy, game này được thiết kế theo kiểu 2D nên tầm nhìn của bạn sẽ cực kì hạn chế, nhiều khi phản xạ nhanh cũng… chết như thường. Bạn sẽ va vào các chướng ngại vật và lọt xuống hố vô số lần nên nếu có cảm thấy ức chế thì cũng là điều dễ hiểu.
Chiến thắng cuộc đua – Mafia
Mafia là một tựa game hình sự, trinh thám (crime) được tạo ra với tham vọng đẩy mạnh yếu tố kể chuyện và phân chia các đoạn đấu súng thành nhiều khúc khác nhau, mỗi khúc sẽ có một ý tưởng vô cùng thú vị, trong đó có màn yêu cầu bạn phải thắng một cuộc đua xe.
Theo lý thuyết, ý tưởng này sẽ khá là hiệu quả vì nó giúp thay đổi nhịp độ của game, đồng thời cho phép game thủ làm quen với cơ chế mới. Nhưng vấn đề ở đây là bộ công cụ mà nhà phát triển dùng để tạo ra màn này không phải là thứ mà phần lớn game thủ đang có sẵn ở nhà. Màn chơi này được thiết kế để tương thích với tay cầm dạng vôlăng, và nó được tinh chỉnh theo cơ chế này thay vì là theo tay cầm thông thường.
Hệ quả là nó đã gây ra nhiều vấn đề: Đầu tiên là chỉ có một bộ phận nhỏ game thủ sở hữu bộ tay cầm vôlăng; thứ nhì là cho dù có sở hữu đi chăng nữa thì họ cũng không nghĩ rằng sẽ cần phải chuyển qua sử dụng nó chỉ vì một màn đua xe duy nhất trong game bắn súng. Thế là hầu như ai cũng phải vật lộn với tay cầm để vượt qua màn chơi này.
Bộ đôi Ornstein & Smough – Dark Souls
Ornstein và Smough là một bộ đôi vô cùng khó chịu các bạn ạ. Trong series Dark Souls có không ít con trùm vô cùng “khó xơi”, nhưng 2 con này vẫn tạo được ấn tượng sâu đậm trong tâm trí game thủ vì chúng rất biết cách phối hợp ăn ý với nhau.
Lúc con Smough đang loạng choạng, tưởng chừng như bạn sắp kết liễu được nó rồi thì Ornstein sẽ nhào tới bạn với tốc độ nhanh như chớp. Solo tay đôi với nhau đã đủ trầy da tróc vẩy, giờ 2 đánh một thì khả năng cao là bạn chỉ có… banh xác mà thôi. Tuy nhiên, bạn vẫn còn một quyền trợ giúp khác, đó là song kiếm hợp bích với một người chơi khác để trận đánh trở nên cân bằng hơn và dễ thở hơn. Nhưng dù sao đi nữa thì đánh bại 2 tên này vẫn là một chiến tích hiển hách các bạn ạ.
Nhiệm vụ lái máy bay bắn người – GTA: San Andreas
Bất cứ khi nào GTA cho bạn chơi máy bay RC (điều khiển từ xa) thì bạn nên xóa bố game luôn đi cho đầu óc nó thanh tịnh. Có vẻ như cái chuyện chà đạp tinh thần người chơi bằng cái nhiệm vụ lái trực thăng RC cực khó trong phần Vice City chưa làm Rockstar hài lòng. Thế là họ tiếp tục làm ra một nhiệm vụ lái máy bay RC cực kỳ dở người nữa trong phần San Andreas – phần GTA cuối cùng trong kỷ nguyên PS2.
Nhiệm vụ này tên là Supply Lines, bạn sẽ được lái một chiếc máy bay RC 2 tầng cánh, được trang bị súng để đi ám sát một số mục tiêu chỉ định. Nghe thì có vẻ vui, ít nhất là cho đến khi bạn nhận ra rằng chiếc máy bay chết tiệt này cực kỳ khó điều khiển, chỉ riêng cái việc giữ nó bay trên không thôi là đã đủ mắc mệt rồi chứ đừng nói đến việc đi bắn hạ thứ gì đó. Đã vậy nó còn có tính nhiên liệu nữa chứ, mà hết nhiên liệu là khỏi bay và đi làm nhiệm vụ lại từ đầu nhé.
Đến cả David Cross, người lồng tiếng cho Zero, một nhân vật trong nhiệm vụ này cũng chẳng thể nào ưa nổi chiếc máy bay chết tiệt. Ông ấy thậm chí còn không thể điều khiển được nó.
Hộ tống Natalya ngơ ngáo – Goldeneye
Bất kỳ game thủ nào đã từng tung hoành trong những tựa game khoảng cuối thập niên 90, đầu thập niên 2000 cũng đều sẽ phải lắc đầu ngán ngẩm khi nhớ lại những nhiệm vụ hộ tống. Tuy nhiên chúng vẫn chưa đủ đô để so sánh với nhiệm vụ hộ tống bà thím ngáo ngơ Natalya trong Goldeneye đâu.
Tựa game bắn súng James Bond cổ điển Goldeneye là một cuộc cách mạng trong làng game FPS và đồ họa 3D. Tuy nhiên việc nó là huyền thoại là một chuyện, cái nhiệm vụ Escorting Natalya tào lao thì lại là chuyện khác. Mô tả nhiệm vụ thì khá đơn giản, đó là hộ tống Natalya để cô ta làm việc với mấy cái máy tính, đồng thời bảo vệ cô ta khỏi mấy tên địch, vậy thôi. Mấy nhiệm vụ kiểu này thường đều có kịch bản na ná nhau, nhưng hiếm khi có tựa game nào cho người bắt người chơi phải đi với một người bạn đồng hành “chết não” như thế. Nếu cô ta không tự giết mình bằng cách đi vào làn đạn của kẻ thù thì bạn sẽ chết khi đặt mình vào nguy hiểm để cứu cô ta.
Cũng phải có một số lý do để người ta nhớ đến Goldeneye chủ yếu là ở phần chơi mạng. Và một trong những lý do lớn nhất chính là cái nhiệm vụ củ chuối này làm lưu mờ cả phần chơi đơn.
Bản đồ Water Temple hành xác người chơi – The Legend Of Zelda: Ocarina Of Time
Nếu bạn đã từng chơi qua Ocarina of Time thì chắc chắn bạn sẽ nhớ đến cái map Water Temple. Một số nhà phê bình thì thích sự phức tạp của nó, nhưng nhiều người chơi thì chửi ầm cả lên.
Đây là dungeon thứ 6 mà bạn gặp phải trong tựa game. Muốn di chuyển trong map ngập nước này, bạn phải nâng hạ mực nước bằng những cần gạt được dấu trong nhiều căn phòng khác nhau, kết hợp với việc sử dụng Iron Boots để chìm xuống đáy những căn phòng ngập nước. Trong khi game không hề cho bạn biết là cái cần gạt nào kết nối với cái gì thì việc tháo ra gắn vào Iron Boots hoàn toàn thủ công thông qua menu của game cũng gây ra lắm phiền phức.
Tất cả làm nên một cái map cực kỳ cồng kềnh và gây khó chịu nhiều hơn là sự thích thú cho người chơi. Đó là lý do Nintendo chỉnh sửa mạnh tay khu vực này trong bản 3DS của Ocarina.
Bám đuôi thành viên của quân kháng chiến – Metal Gear Solid 4
Đối với một series game cuốn như Metal Gear Solid thì cũng không lạ gì khi dòng game này cũng có những phân cảnh game khiến người chơi cực kỳ khó chịu. Một trong số đó có thể kể đến như cảnh giết chết chuỗi PAL card trong phần game đầu, cảnh hộ tống E.E trong phần 2 và cảnh bạn phải cho EVA ăn liên tục cứ mỗi 5 phút để cô ấy không bị chết đói trong phần 3. Đương nhiên, để tiếp nối “truyền thống” này, Metal Gear Solid 4 vẫn sẽ có những phân cảnh gây “đau đớn” cho game thủ.
Cụ thể thì trong phần game này, bạn sẽ phải theo dõi một thành viên VIP của quân kháng chiến đi xung quanh thành phố. Bạn sẽ vừa phải theo dõi anh ta mà không để lộ bất kỳ hành động lộ liễu nào trong khi vừa phải để ý và triệt hạ những vị khách không mời khác cũng đang bám đuôi đối tượng của bạn. Nếu bạn đã từng chơi qua các nhiệm vụ bám đuôi trong Assassin’s Creed thì nhiệm vụ này cũng giống như vậy chỉ có điều là phức tạp hơn. Bởi vì không giống như series Assassin’s Creed, bạn sẽ không bị thua dù đối tượng có phát hiện ra bạn.
Nếu như bạn bị phát hiện, bạn sẽ không bị game đưa trở về vị trí check point mà game sẽ bắt bạn đi thêm một quãng đường dài nữa để tới được vị trí đích đến. Cũng chính vì điều này đã khiến cho một nhiệm vụ vốn đã chán ngắt thì nay còn chán hơn. Ngoài ra, nếu bạn như có lỡ không kiềm chế được cảm xúc mà phá phách, đưa nguyên khu vực đó vào tình trạng báo động thì bạn sẽ bị trừng phạt khá là nặng, và đương nhiên điều đó sẽ càng khiến bạn ức chế hơn khi phải chơi lại màn này.
The High Road – Crash Bandicoot N. Sane Trilogy
The High Road luôn là một cơn ác mộng đối với game thủ dù cho bạn có chơi phiên bản nào Crash Bandicoot đi chăng nữa. Tuy nhiên, chỉ có The High Road trong phiên bản N. Sane Trilogy là được đưa vào danh sách này vì cơ chế điều khiển của phần này đã bị nhà phát triển làm khác đi.
Bộ ba game gốc (original trilogy) có cơ chế điều khiển được thiết kế riêng, điều này có nghĩa là các động tác nhảy và đáp xuống đất sẽ khác nhau đôi chút giữa các phần. Để tinh giản hóa trải nghiệm cũng như làm cho các phần game gắn kết với nhau hơn, nhà phát triển đã dùng chung một cơ chế nhảy duy nhất. Tuy nhiên thì cơ chế này lại không phù hợp với màn The High Road các bạn ạ.
Chính vì thế nên những bước nhảy của Crash có phần hơi… “lệch” một chút so với bình thường, nhưng nhiêu đó cũng quá đủ để khiến bạn rơi xuống vực sâu hết lần này đến lần khác. Tất cả chỉ vì cái “một chút” kia các bạn ạ.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
· Top 10 tựa game vui chơi cùng hội bạn nhân dịp Tết 2022
· Top 10 tựa game nhập vai có đồ họa đẹp mãn nhãn trên PC
· Top 10 tựa game cực hay đưa bạn vào những chuyến phiêu lưu kỳ thú
Nguồn: What Culture
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!