Top 5 mẫu máy bay có tốc độ nhanh nhất thế giới
Chúng ta ai cũng có nhiều sở thích, mình cũng vậy. Trong tuần mình sẽ viết về công nghệ mới, máy tính và game, còn cuối tuần thì mình sẽ đổi gió một chút, đó là một bài viết để chia sẻ về bất cứ thứ gì mà mình cảm thấy hay ho, ví dụ như bài này. Sau đây là bài viết về 5 mẫu máy bay nhanh có người lái nhanh nhất lịch sử. Bài viết được tổng hợp từ nhiều nguồn, mình sẽ để dưới cuối bài cho mấy bạn tiện theo dõi nếu muốn tìm hiểu sâu hơn nhé.
*Càng lên cao không khí càng loãng và tốc độ âm thanh càng chậm, thế nên tốc độ Mach trong bài sẽ có chút khác biệt so với tốc độ Mach mà bạn tra trên Google đấy, vì đó chỉ là tốc độ âm thanh tại mực nước biển mà thôi.
5. North American XB-70 Valkyrie – Mach 3,1 – (3.309 km/h)
Mẫu máy bay ném bom chiến lược siêu thanh XB-70 Valkyrie được sinh ra trong bối cảnh chiến tranh lạnh, khi mà Mỹ và Liên Xô liên tục phát triển những thứ vũ khí có thể đem lại sức răn đe hạt nhân. Đó là lý do XB-70 Valkyrie được thiết kế để đạt tốc độ tối đa Mach 3,1, gần như không thể đánh chặn tại thời điểm đó. Đồng thời nó cũng có thể dùng tốc độ này để thoát khỏi vụ nổ bom hạt nhân mà nó ném ra.
Đối với mình thì đây là một chiếc máy bay thực sự thú vị, nó nặng gấp 3 và nhanh gấp rưỡi chiếc máy bay thương mại siêu thanh nổi tiếng Concorde. Ở tốc độ tối đa, vỏ máy bay có thể nóng đến 330 độ C do ma sát với không khí và làm kim loại giãn nở, đòi hỏi những công nghệ cực kỳ tối tân.
Tuy nhiên do chi phí sản xuất quá đắt đỏ, lên đến 750 triệu đô hồi năm 1964 mỗi chiếc, đắt hơn 75 lần so với B-52H hồi năm 1962 nên chỉ có 2 chiếc XB-70 Valkyrie được sản xuất. Nếu tính theo thời giá năm 2018 thì mỗi chiếc sẽ có mức giá kinh hoàng, lên đến tận 5.2 tỷ đô, đắt hơn nhiều so với máy bay ném bom tàng hình Northrop Grumman B-2 Spirit, vốn đã nổi tiếng là siêu đắt đỏ.
4. Bell X-2 Starbuster – Mach 3,196 (3.370 km/h)
Đối với những người mê kỹ thuật hàng không thì chắc chắn phải biết đến mẫu máy bay động cơ tên lửa Bell X-1. Đó là mẫu máy bay đầu tiên phá vỡ “bức tường âm thanh” vào tháng 10 năm 1947 với tốc độ cực đại 1.541 km/h. Bell X-2 Starbuster thì ít nổi tiếng hơn vì nó không đánh dấu một bước tiến quan trọng đến thế. Tuy nhiên nó vẫn là một thành tựu lớn của lịch sử kỹ thuật hàng không khi là mẫu máy bay đi tiên phong trong công nghệ động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng có lực đẩy biến thiên. Và tất nhiên là tốc độ của nó cũng ghê gớm hơn Bell X-1 rất nhiều.
Bell X-2 được sinh ra là để nghiên cứu xem một chiếc máy bay sẽ gặp phải những gì tốc độ cao hơn Mach 2. Nó đã có một chặng đường phát triển dài vì từ lúc nó được lên kế hoạch thì những công nghệ cần thiết cho một mẫu máy bay như thế vẫn chưa sẵn sàng. Chiếc máy bay có hình dạng khí động học như một đầu đạn, tương tự như Bell X-1 nhưng khác biệt ở chỗ nó có dạng cánh mũi tên xuôi chứ không còn là cánh bằng nữa.
Với kiểu cánh mới, động cơ mới và những tiến bộ công nghệ để giúp thân vỏ máy bay chịu được tốc độ lớn, Bell X-2 đã đạt tốc độ khủng khiếp Mach 3,196 trong một chuyến bay vào năm 1956. Tuy nhiên ngay sau khi đạt được tốc độ này, phi công thử nghiệm Milburn G. Apt đã bẻ lái gấp và khiến máy bay mất kiểm soát. Anh đã nhảy dù thoát hiểm nhưng vẫn hy sinh vì khoa học do tiếp đất với tốc độ quá cao. Chính sự cố chết người này đã chấm dứt chương trình Starbuster
3. Mikoyan MiG-25 Foxbat – Mach 3,2 (3.490 km/h)
MiG-25 Foxbat là một trang sử vàng son chói lọi của kỹ thuật hàng không Liên Xô và là niềm tự hào của Phòng thiết kế Mikoyan-Gurevich. Đồng thời nó là mối nguy lớn, làm đau đầu các chính trị gia phương Tây và đe dọa làm đau đít các phi công của họ.
MiG-25 Foxbat được thiết kế với vai trò máy bay tiêm kích đánh chặn, trinh sát và ném bom siêu thanh, có tốc độ tối đa là Mach 2,8 trong giới hạn cho phép của động cơ, đủ để không một loại tiêm kích nào trên thế giới trong thập niên 1970 có thể bắn hạ được nó. Không chỉ có thế, nó còn có thể “OverClock” 2 khối động cơ để đạt tốc độ lên đến tốc độ Mach 3,2, giúp nó xác lập 29 kỷ lục thế giới về tính năng bay. Tuy nhiên nếu đẩy lên tốc độ Mach 3,2 thì 2 khối động cơ của Mikoyan MiG-25 Foxbat sẽ “toang” rất nhanh. Về vũ khí mẫu máy bay này được trang bị một radar cực mạnh và 4 tên lửa đối không tầm xa. Mục đích là để phát hiện máy bay địch ở tầm siêu xa rồi dùng tên lửa bắn tung đít chúng trước khi quay đầu bỏ chạy khỏi vùng trời giao tranh với tốc độ “racing boy”.
Trong những năm của thập niên 90, mẫu tiêm kích đa dụng thế hệ 3 này vẫn đủ khả năng đối chọi với nhiều mẫu tiêm kích thế hệ 4 như F-15 Eagle và F/A-18 Hornet bằng cách tận dụng tốc độ kinh hoàng của nó. Ngày nay, tuy đã khá lỗi thời và được sử dụng hạn chế nhưng “ông già” MiG-25 Foxbat vẫn đủ tư cách để đứng chung hàng ngũ với mấy “thanh niên trai tráng khỏe mạnh” đời mới như Su-35 (tiêm kích thế hệ 4+) và Su-57 (tiêm kích thế hệ 5) trong Không quân Vũ trụ Nga.
2. Lockheed YF-12 và Lockheed SR-71 Blackbird – Mach 3,2+ (3530+km/h)
Sở dĩ mình để chung 2 mẫu máy bay này là vì chúng gần như y hệt nhau, khác biệt lớn nhất chỉ nằm ở phần mũi và mớ “đồ chơi” chúng mang theo mà thôi. Lockheed YF-12 là một nguyên mẫu tiêm kích đánh chặn, được trang bị 3 tên lửa. Trong khi đó thì SR-71 được trang bị camera cực mạnh, có thể quan sát được các vật thể to bằng quả bóng golf ở độ cao 24km. Tuy là 2 anh em nhưng YF-12 và SR-71 có số phận trái ngược hoàn toàn. YF-12 được phát triển trước và đạt tốc độ Mach 3.35 nhưng chỉ có 2 nguyên mẫu được sản xuất. Tuy nhiên ít ra thì nó đã trở thành nền tảng để Lockheed phát triển tiếp SR-71. Tuy có tốc độ chậm hơn một chút, đạt Mach 3.2+ nó thành công hơn với 32 chiếc được chế tạo và được nhiều người (trong đó có mình) xem là mẫu máy bay trinh sát nổi tiếng nhất lịch sử.
YF-12
SR-71
Sở dĩ 2 mẫu máy bay này có thể đạt tốc độ kinh khủng như thế mà không vỡ động cơ như MiG-25 là vì chúng sử dụng một dạng động cơ kết hợp giữa turbojet và ramjet. Về cơ bản thì nó vẫn chỉ sử dụng 2 động cơ turbojet Pratt & Whitney J58 thôi. Tuy nhiên mũi rẽ khí được đặt trước khoang động cơ mới là điều đáng chú ý. Ở tốc độ cao, cái mũi này sẽ tự rẽ và nén không khí, đồng thời giảm tốc độ đầu vào của không khí xuống mức mà động cơ Pratt & Whitney J58 có thể hoạt động được. Ngoài ra thì còn khá nhiều cơ chế hay ho khác mà có lẽ mình sẽ nói đến trong một bài viết chuyên sâu hơn.
Thiết kế động cơ này cùng với hình dạng khí động học cực kỳ tối ưu cho phép YF-12 và SR-71 vốn đã tàng hình còn có thể bay được với vận tốc siêu nhanh. Cho dù radar có phát hiện ra thì tên lửa đối không thời đó cũng chẳng thể làm gì được chúng.
Có một thông tin vui vẻ cho mấy bạn là SR-71 nghe ghê gớm là thế nhưng lại vô tình trở thành kẻ chỉ điểm cho bộ đội tên lửa Việt Nam trong trận “Điện Biên Phủ Trên Không” năm 1972 hay còn gọi là Chiến Dịch Linebacker II từ phía Mỹ. Tuy rằng tên lửa của các tổ hợp tên lửa phòng không S-75 và S-125 không thể bắt kịp được tốc độ của SR-71 nhưng các loại máy bay khác của Mỹ thời đó thì vô tư. Thế là SR-71 bay qua đâu để do thám, bộ đội tên lửa Việt Nam lại vác tên lửa ra đó chờ. Còn kết quả như thế nào thì các bạn học Sử cũng biết rồi đấy, miền Bắc tiến thẳng lên thời kỳ “đồ nhôm”.
1. North American X-15 – Mach 6,70 (7.200 km/h)
Nhìn vào tốc độ thì chắc là các bạn cũng thấy North American X-15 cực kỳ khác biệt. Trong khi những mẫu máy bay còn lại trong danh sách có tốc độ Mach 3,X thì X-15 có thể kéo kịch kim lên đến tận Mach 6,70, tương đương 7.200 km/h và có thể so sánh với viên đạn của railgun. Về căn bản thì nó là một quả tên lửa có cánh!
X-15 là một chiếc máy bay được trang bị động cơ tên lửa XLR99, cho lực đẩy lên đến 32 tấn cùng với các ống phản lực phụ để hỗ trợ chuyển hướng ở độ cao lớn và trong không khí loãng. Để có thể ổn định máy bay ở tốc độ lớn thì X-15 được trang bị một cái đuôi hình cái nêm cực kỳ đặc trưng, tuy nhiên cái đuôi này lại gây ra lực cản khí động học rất lớn ở tốc độ thấp. Chính vì thế mà X-15, nó được một chiếc “pháo đài bay” B-52 mang lên độ cao 14km trước khi được thả xuống và bắt đầu kích hoạt động cơ. Với tốc độ tối đa Mach 6,70, chiếc máy bay có thể đạt đến độ cao trên 100km – độ cao mà không một mẫu máy bay nào khác có thể với tới và chỉ có tàu vũ trụ mới có thể bay cao hơn.
Kể từ năm 1967 đến nay, X-15 vẫn là chiếc máy bay có người lái nhanh nhất thế giới. 199 chuyến bay cùng 12 phi công thử nghiệm đã mang về rất nhiều dữ liệu quý giá cho việc thiết kế máy bay và tàu vũ trụ, góp phần quan trọng vào những nỗ lực chinh phục không gian.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Vì sao chúng ta không thể gắn GPU lên bo mạch chủ như CPU? Đây là câu trả lời cho bạn
- Tìm hiểu về sự khác biệt bên trong CPU Intel và AMD
Nguồn: Wikipedia XB-70, SR-71, YF-12, X1-5, X-2, MiG-25, AeroTime
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!