Top 25 tựa game đua xe hay nhất mọi thời đại
Game đua xe đã xuất hiện từ nhiều thập kỷ trước, và nó thường là tượng đài của cả một nền tảng vì luôn tìm cách vắt kiệt sức mạnh phần cứng để tạo ra những cuộc đua chân thực và kịch tính nhất cho game thủ. Trong những năm qua đã có hàng trăm tựa game đua xe chất lượng ra mắt trên các nền tảng khác nhau. Và sau đây là danh sách 25 game đua xe hoành tráng nhất trong lịch sử. Lưu ý là để tránh trường hợp lặp đi lặp lại thì đối với các series, chỉ có 1 game trong series đó được nêu tên thôi nhé.
Rock n’ Roll Racing (1993)
Đây là một tựa game đua xe combat theo dạng isometric, lấy cảm hứng từ R.C. Pro-Am (1988) và Racing Destruction Set (1985). Sau khi Super Mario Kart ra mắt vào năm 1992 và tạo tiếng vang trong cộng đồng game thủ thì nhà phát triển Silicon & Synapse đã tạo ra Rock n’ Roll Racing kết hợp với các bài nhạc rock kinh điển như Born to be Wild, Bad to the Bone, và Paranoid.
Kết quả là họ đã thành công mỹ mãn và được nhiều game thủ yêu mến.
Wreckfest (2018)
Wreckfest là sự kết hợp của Destruction Derby, Test Drive: Eve of Destruction, và FlatOut: Ultimate Carnage. Nó pha trộn các yếu tố nhào lộn, đốt lốp, và tiếng kim loại va vào nhau rất đặc trưng. Đồ họa trong game không mấy ấn tượng cho lắm nhưng mỗi xe đều mang lại cảm giác lái khác nhau và game thủ có thể nhận thấy điều đó một cách rõ rệt. Những chiếc American muscle thì mạnh nhưng khó bẻ lái; xe châu Âu và Nhật Bản thì nhỏ hơn, nhẹ hơn, nhưng cũng “mong manh dễ vỡ” hơn và cần phải lái tinh tế một chút.
Ngoài ra trong game còn có các thể loại xe đặc biệt như xe buýt đưa đón sinh viên học sinh, xe RV (recreational vehicle), máy cắt cỏ, thậm chí có cả ghế sofa gắn động cơ vô chạy nữa. Đặc biệt, mỗi bộ phận trên xe đều có thể bị vỡ nát, xé vụn, hoặc bung ra hoàn toàn khi xảy ra va chạm. Anh em nào thích xe điện đụng phiên bản hardcore, hoặc thích series FlatOut ngày trước thì đừng bỏ qua game này nhé.
Wave Race 64 (1996)
Được phát triển bởi những nhân vật nổi tiếng của Nintendo như Shinya Takahashi, Katsuya Eguchi, và Shigeru Miyamoto, Wave Race 64 là tựa game đua xe đầu tiên dành cho hệ máy Nintendo 64 – hay chính xác hơn là game đua canô. Game có thời lượng khá ngắn nhưng về mặt hiệu ứng nước văng tung tóe thì nó đã làm rất tốt, khó có game nào cùng thời đem ra so sánh được.
Hệ thống mô phỏng vật lý chân thực đến mức anh em phải biết cách nhìn và “đọc” các đợt sóng trên đường đua để xem xem tình huống đó mình nên xử lý thế nào để không bị tụt hậu, khác hẳn so với những game vào thời điểm bấy giờ. Sau đó thì Nintendo có ra mắt hậu bản Wave Race: Blue Storm vào năm 2001 trên GameCube, xong rồi series này lặn mất tăm luôn.
Hard Drivin’ (1989)
Trong những năm 80 của thế kỷ 20 thì chúng ta có 3 tựa game stun racing đình đám là Hard Drivin của Atari với chân ly hợp và cần số hẳn hoi, xịn sò hơn hẳn những game khác; Stunt Car Racer (còn gọi là Stunt Track Racer tại Mỹ) của Amiga, tập trung vào yếu tố mô phỏng vật lý; và cuối cùng la Stunts của nhà phát triển Distinctive Software, được cho là phiên bản “ăn theo” của Hard Drivin’ được bổ sung tính năng mới là cho phép tùy chỉnh đường đua.
Đã có nhiều game stun racing khác được sản xuất trong những năm sau đó, nhưng Hard Drivin’ vẫn xứng đáng có tên trong danh sách này vì có đồ họa đa giác phải nói là cực kì xịn sò mà trước đó chưa từng thấy trong tựa game nào khác.
Midnight Club 3: DUB Edition (2006)
Angel Studios (sau này trở thành Rockstar San Diego vào năm 2002) xứng đáng được tán dương vì đã đi tiên phong trong thể loại đua xe thế giới mở. Trong đó, Midnight Club 3: DUB Edition là tựa game đầu tiên trong series sở hữu những chiếc xe được mua bản quyền hẳn hoi, và bên cạnh kho xe đồ sộ thì phần nhạc nền soundtrack cũng cực kì cuốn hút. Về phần gameplay thì khỏi phải chê, cực kì kịch tính luôn anh em ạ. Anh em sẽ cảm nhận được chiếc xe lao về phía trước mỗi khi nhấn ga, tiến đến cột khói checkpoint tiếp theo; và những khoảnh khắc ôm cua cực gắt, né dòng xe đang chạy ngược chạy xuôi tại 3 thành phố trong game.
Đặc biệt, game còn có thêm cơ chế kỹ năng đặc biệt, cho phép anh em đâm sầm vào những chiếc xe khác trên đường mà không bị hề hấn gì, hoặc kích hoạt chế độ quay chậm slow-mo để anh em xử lý các pha nguy hiểm trong tích tắc. Nói về khoản độ xe thì thôi rồi, thoải mái luôn anh em ơi, muốn kiểu gì là có xe kiểu đó. Trong thời PS2 và Xbox thì Midnight Club 3 được xem như là một trong những game đua xe hoành tráng nhất đó anh em.
Colin McRae Rally (1998)
SEGA Rally Championship (1994) là tựa game arcade (điện từ thùng) đua xe địa hình (off-road) đình đám thời bấy giờ. Ngồi trong buồng lái là anh em sẽ cảm nhận được độ rung khi đi trên các cung đường khác nhau, rất chân thực anh em ạ. Tuy nhiên, đến năm 1998 thì Codemasters ra mắt Colin McRae Rally trên nền tảng PC và nó đã nhanh chóng lấy hết ánh hào quang của SEGA Rally Championship.
Colin McRae Rally không phải là series game đua xe địa hình duy nhất, nhưng nó là một trong những tượng đài của thể loại này. Nhờ có sự cố vấn từ McRae, cộng với những lưu ý về đường đua của Nicky Grist, Colin McRae Rally (1998) mang màu sắc “nghiêm túc” hơn so với SEGA Rally, và đúng với 2 chữ “mô phỏng” hơn. Sau này có nhiều tựa game khác cũng hay không kém, nhưng khó thể nào mà vượt qua mặt Colin McRae Rally được.
Trials HD (2009)
Đây là một game lai giữa đua xe và đi cảnh giải đố, nối gót những game đua xe máy như Kikstart II. Càng chơi, các màn trong Trials HD lại càng khó nhằn. Game phụ thuộc nhiều vào yếu tố vật lý và sẽ không hề nhân nhượng với người chơi. Đây là game thứ 3 trong series nhưng nhờ “hạ cánh” xuống nền tảng Xbox Live Arcade nên Trials HD đã trở thành một hiện tượng.
Nhờ vậy, anh em sẽ được đua thời gian với bạn bè, xem xem ai là người nhanh nhất, điều khiển xe thành thục nhất. Cảm giác tranh đua từng miligiây một nó căng thẳng tột cùng anh em ạ, và đến khúc cuối nhận ra rằng mình chỉ thua bạn mình trong tích tắc nó ấm ức lắm anh em ạ, có khi tối ngủ không ngon luôn ấy chứ.
F1 2020 (2020)
Đua xe hơi bánh hở (open wheel racing) là đỉnh cao của bộ môn đua xe thể thao, và các tựa game Formula 1 đã gây được tiếng vang qua nhiều thế hệ, song hành cùng với sự phát triển của công nghệ. Vẫn có những tựa game đình đám như Formula One Grand Prix và Grand Prix 2 của Microprose, Grand Prix Legends của Papyrus, và F1 Challenge ’99-’02 của EA; nhưng F1 2020 của Codemasters vẫn nổi bật và phổ biến hơn cả.
Đây là phiên bản có đồ họa đẹp nhất và cảm giác lái xe tốt nhất tính đến thời điểm hiện tại. Ngoài ra game rất có chiều sâu, cho phép anh em nối gót những huyền thoại như Sir Jack Brabham và Bruce McLaren và xây dựng một đội đua riêng. F1 2020 đã đem thể loại mô phỏng đua xe truyền thống lên một tầm cao mới, ngang hàng với những game thể thao khác như FIFA và NBA 2K.
Mashed (2005)
Mashed là một tựa game đua xe theo dạng isometric được phát triển bởi Supersonic Software, và nó nổi bật với đường đua Polar Wharf đã khiến biết bao tay đua phải đập vỡ tay cầm vì đường đua quá trơn trượt, đã vậy còn có 2 khúc cua cùi chỏ (hairpins) nữa chứ. Nói không ngoa thì Polar Wharf chính là thứ đã làm nên tên tuổi của Mashed. Game không có nhiều đường đua cho lắm, nhưng cũng chỉ cần Polar Wharf thôi là đã quá đủ rồi. Đây cũng là đường đua đã kết nối (và chia rẽ) nhiều fan Mashed và là đường đua duy nhất mà game thủ cần trong chế độ multiplayer.
Nó được lấy ý tưởng từ đường đua Turbo Turns trong game Micro Machines 2: Turbo Tournament (1994), cũng được phát triển bởi Supersonic Software. Tuy nhiên, Turbo Turn thì còn có thể hoàn thành trong khoảng 8 giây (đối với tay đua lão làng), chứ còn Polar Wharf thì thôi nghỉ khỏe luôn cho lẹ.
Ridge Racer (1993)
Đã từng có thời Ridge Racer ra mắt theo chu kỳ rất ổn định và là một tượng đài của nền tảng PlayStation mỗi khi có hệ máy mới ra mắt. PS1, PS2, PS3, PSP, và PS Vita đều được cho lên kệ với Ridge Racer cùng song hành. Do phiên bản Ridge Racer Unbounded (2012) bị “flop” nên series Ridge Racer dần bị chìm vào quên lãng, nhưng không thể phủ nhận rằng series này đã tạo ra được một dấu ấn trong làng game nói chung và trong thể loại đua xe nói riêng, mà công đầu ở đây thuộc về phiên bản Ridge Racer đầu tiên. Ban đầu thì nó xuất hiện dưới dạng điện tử thùng, sau đó thì được đem lên console. Ridge Racer có thể chỉ có 1 đường đua, nhưng vào thời đó nó cảm giác như là tương lai của ngành game vậy. Game rất sôi động và có đồ họa rất ấn tượng.
Và vì chỉ có 1 đường đua nên anh em rất dễ thuộc các khúc cua, từ đó hình thành thói quen cứ đến chổ đó là auto bẻ lái ôm cua, ra cua là nhấn ga bay vút tới đoạn tiếp theo, cảm giác cực kì sướng luôn anh em ạ. Game sẽ đưa anh em đi xuyên qua thành phố trên những con đường cao tốc, chui vào các đường hầm, lên dốc xuống dốc, sau đó cho anh em chạy dọc bờ biển xanh mát. Buổi tối thì đèn của các tòa nhà sáng lên, nhạc trở nên sôi động hơn, và tiếng rít của bánh xe cũng nghe rõ hơn. Tất cả hòa trộn với nhau, cho anh em cảm giác như là đang chơi một tựa game đến từ tương lai vậy. Những phần sau này không phải là không hay, nhưng huyền thoại thì chỉ có 1 thôi anh em ạ.
iRacing (2008)
iRacing là một tựa game mô phỏng đua xe theo dạng đăng ký gói cước (subscription-based), với nền tảng được lấy từ game NASCAR Racing 2003 Season của Papyrus. Tuy nhiên, nhà phát triển đã nhanh chóng cập nhật và thay đổi phần lớn đoạn mã của NASCAR Racing 2003 Season để cho phù hợp hơn, và sau khi ra mắt thì game vẫn tiếp tục được nhà phát triển hỗ trợ. Game khá là kén người chơi, và anh em phải bỏ ra một số tiền lớn hơn nhiều so với việc mua đứt một tựa game đua xe, nhưng iRacing vẫn tìm được chỗ đứng trong mảng game mô phỏng đua xe và thu hút được một số lượng game thủ nhất định.
Trong tình hình dịch bệnh đang diễn ra căng thẳng trong năm 2020, số lượng người chơi iRacing thậm chí còn tăng 50% là đằng khác. Các tay đua chuyên nghiệp đến từ nhiều giải đấu cũng tìm đến game này để thi đấu với nhau khi thực hiện chính sách giãn cách xã hộ, buộc phải ở trong nhà. Có nhiều tựa game đua xe khác thành công hơn iRacing về mặt chất lượng lẫn doanh thu như Assetto Corsa, Project CARS 2, Forza Motorsport 7, hay Gran Turismo Sport, nhưng iRacing vẫn giữ được một lượng người chơi trung thành bao gồm game thủ chơi cho vui là chính cho đến các tay tua chuyên nghiệp ngoài đợi thực. Đã nói đến game đua xe mô phỏng thì không thể không nhắc đến iRacing anh em ạ.
OutRun (1986)
Sau sự thành công của Hang-On và Enduro Racer, Sega đã chuyển sang game đua xe 4 bánh OutRun. Thay vì đua theo kiểu F1 thì OutRun đã đi theo hướng lái xe Ferrari Testarossa dưới ánh nắng vàng ươm của trời Âu. Yu Suzuki – người đã tạo ra OutRun – cho biết ông xem game này như là game lái xe hơn là game đua xe.
Tuy nhiên, OutRun vẫn là một tựa game kinh điển, thôi thúc anh em chạy đua với thời gian. Nếu anh em để ý thì sẽ thấy những tựa game đình đám như Test Drive, Need for Speed, Project Gotham Racing, và Burnout vay mượn một vài ý tưởng từ OutRun. Thậm chí, đến cả Forza Horizon cũng phải chịu sự ảnh hưởng của game này. Game có các đài radio hấp dẫn, cung đường nhấp nhô, và buồng lái rất chi tiết. Vào năm 1986 thì OutRun thật sự là một tựa game tách biệt hẳn so với phần còn lại.
Test Drive: Unlimited (2006)
Có thể nó Test Drive: Unlimited là một tựa game MMO vượt thời đại với thế giới mở vô cùng rộng lớn, khiến bao game thủ thèm muốn được sở hữu tựa game này. Đây là phiên bản Oahu được phục dựng theo tỷ lệ 1:1 nên mạng lưới giao thông trong Test Drive: Unlimited đã khiến những tựa game cùng thời phải cảm thấy hổ thẹn. Cho dù anh em đang đua xe xé gió hay là thưởng ngoạn phong cảnh thì game đều đáp ứng được hết. Nó còn cho anh em biết cảm giác sở hữu một chiếc xe là gì vì anh em phải săn lùng những địa điểm cụ thể nằm trên hòn đảo thì mới mua được xe mình muốn, và gara cũng có giới hạn nên anh em phải biết cách phân chia sao cho hợp lý.
Điểm thú vị của Test Drive: Unlimited còn nằm ở các màn chơi yêu cầu anh em phải chạy đường dài để giao xe và các sự kiện đòi hỏi game thủ phải chạy một vòng hòn đảo, chẳng hạn như thử thách The Millionaire’s Challenge. Sau này thì có những game như Forza Horizon tiếp nối truyền thống, nhưng Test Drive: Unlimited vẫn là một tượng đài khó thể nào mà lung lay được.
Pole Position (1982)
Đây không chỉ là một trong những tựa game đình đám thời bấy giờ mà nó còn là một trong những game đua xe quan trọng, mang sức ảnh hưởng lớn từng được sản xuất trong lịch sử. Mặc dù Turbo (1981) của Sega được xem như là tựa game đua xe đầu tiên giới thiệu góc nhìn theo kiểu chase cam phổ biến cho đến tận ngày nay, Pole Position lại có góc nhìn thứ ba theo kiểu lower-slung và nó đã trở thành mốt trong cả thể loại đua xe.
Không dừng lại ở đó, Pole Position còn có các điểm checkpoints, và đây cũng là tựa game đua xe đầu tiên đem đường đua ngoài đời thực vào trong game. Pole Position đã gặt hái được thành công vang dội, trở thành tựa game điện tử thùng có doanh thu cao nhất tại Bắc Mỹ vào năm 1983, và đồng thời trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho vô vàn game đua xe ra mắt sau này.
WipEout 2097 (1996)
Đã từng có một thời trên kệ game được bày bán rất nhiều đĩa game đua xe với bối cảnh tương lai như F-Zero, Rollcage, Star Wars Episode I: Racer, Motorhead, Extreme-G, Jet Moto. Tuy nhiên, càng về sau thì chúng ta lại càng ít thấy game thuộc thể loại này ra mắt. Tuy nhiên, vẫn có một series sống sót đến tận giờ này, đó chính là WipEout. Ra mắt cùng lúc với hệ máy PS1, WipEout đã khiến vô số game thủ ngỡ ngàng vì quá mới lạ, đua bằng phi thuyền bay nhanh quá nên dễ bị choáng ngợp. Và đến phiên bản WipEout 2097 (hoặc WipEout XL tại thị trường Nhật Bản và Bắc Mỹ) thì mọi tinh hoa đều tích tụ vào đây.
Game vừa có tiết tấu nhanh hơn kha khá, và phần nhạc nền cũng được cải thiện rõ rệt so với bản đầu tiên, mang lại màu sắc tươi mới, sảng khoái cho game thủ. Ngoài ra thì phần này cũng “dễ thở” hơn, rủi ôm không hết cua, va vào tường thì cũng không bị mất mát gì quá nhiều. Series này còn nổi bật với cơ chế air brakes trứ danh, cho phép anh em dịch chuyển phi thuyền sang 2 bên và đồng thời hỗ trợ trong những pha cua gắt với tốc độ cao. Để master được đường đua trong WipEout 2097 thì anh em cần phải luyện tập thật nhuần nhuyễn, và kết quả mà anh em đạt được sẽ vô cùng xứng đáng với những gì mình đã bỏ ra.
Need for Speed: Most Wanted (2005)
Series Need for Speed quả thật là đang tên đà đi xuống, nhưng cũng phải công nhận rằng trong suốt 25 năm qua nó đã gặt hái được rất nhiều chiến tích mà hiếm có series nào làm được điều tương tự. Trong đó, chiến tích vẻ vang nhất của series này có lẽ không game nào khác mà chính là Need for Speed: Most Wanted. Cho đến mãi sau này, đây vẫn là thước đo để anh em đánh giá và so sánh với các phần hậu bản trong series Need For Speed.
Sau Hot Pursuit 2 vào năm 2002 và Underground năm 2003 thì Most Wanted (2005) chính là sự kết hợp của những gì tinh túy nhất từ 2 phiên bản này: vừa có màn rượt đuổi tốc độ cao trên những con siêu xe, vừa có tính năng độ xe thả cửa cho anh em nào thích tùy biến chiếc xe của mình theo ý thích. Bên cạnh những màn đua xe ngoạn mục, game còn tạo ra một mối liên kết giữa người chơi và chiếc xe của mình, đặc biệt là chiếc BMW E46 M3 GTR màu xanh xám trứ danh trong Most Wanted nói riêng và cả dòng game này nói chung.
TOCA Race Driver 3 (2006)
Trong game Race Driver 3, anh em sẽ được tham gia vòa rất nhiều giải đua chính thức như DTM, V8 Supercars, IndyCar, Formula 3, GT racing, hay thậm chí đua xe tải monster truck cũng có luôn. Bạn có thể dành cả buổi sáng chinh phục đỉnh Mount Panorama bằng chiếc V8 Supercar và đến buổi chiều thì lái chiếc siêu xe tải (supertruck) khổng lồ vòng quanh Oran Park, nhưng nhiêu đó chỉ mới là khởi đầu thôi anh em nhé.
Nếu anh em chịu khó ngồi mở khóa hết tất cả nội dung thì sẽ thấy TOCA Race Driver 3 có quy mô vô cùng lớn. “Di sản” mà game này để lại anh em có thể bắt gặp trong những tựa game như iRacing, Forza Motorsport 7, Project CARS 2. Nhiêu đó thôi cũng đủ thấy TOCA Race Driver 3 có sức ảnh hưởng lớn đến mức nào rồi.
Road Rash [phiên bản CD] (1994/1996)
Tựa game tuổi thơ Road Rash này thực chất đã xuất hiện từ năm 1991 rồi anh em ạ, nhưng phải đến khi nó ra mắt phiên bản CD thì mới thực sự trở thành một hiện tượng. EA đã bắt tay với Soundgarden và Soundgarden nhận thấy rằng đây là một cơ hội cực kỳ lý tưởng để đem nhạc rock ‘n’ roll đến với nhiều game thủ hơn. Song song đó, EA còn làm việc thêm với Paw, Swervedriver, Monster Magnet, Therapy, Hammerbox để tạo ra các bài nhạc khác nhau.
Kết quả là họ đã tạo ra được các giai điệu tuyệt vời nhất, khiến những ai đã từng chơi game này nhớ mãi không quên. Bên cạnh nhạc nền, Road Rash còn là tựa game gắn liền với tuổi thơ của biết bao anh em nhờ có lối chơi vô cùng cục súc và đầy hỗn loạn, gặp xe nào trên đường tấn công xe đó, kể cả xe cảnh sát cũng không tha. Chính nhờ yếu tố này mà game thủ lại càng cảm thấy thích thú, chơi hoài mà không hề thấy chán.
Street Rod (1989)
Nói đến game độ xe thì Street Rod (1989) phải thuộc hàng sư phụ luôn rồi. Nôm na thì đây là game kết hợp giữa Need for Speed Underground và American Graffiti theo phong cách MS-DOS. Game lấy bối cảnh vào mùa hè năm 1963, khoảng cuối thời kì xe hot rod và đầu thời kì xe muscle lên ngôi. Street Rod tập trung vào việc độ xe hơn là mua xe, và việc mua & lắp ráp các linh kiện của xe là một phần thiết yếu trong game.
Ngoài ra thì game còn có một cốt truyện tuy nghe đơn giản nhưng cũng khá là căng thẳng: anh em có đúng 12 tuần để tạo ra một chiếc xe hơi đủ khả năng đánh bại The King lái chiếc ’63 Corvette màu đen trứ danh. Và để gặp được The King, trước hết anh em phải đua thắng được một số tay đua khác để có tiền đi độ xe. Xe ngon lành rồi mới gặp The King nói chuyện được nhé. Anh em phải biết cách độ xe sao cho đúng bài chứ không phải cứ chỉnh bậy bạ là được đâu nhé. Mua lộn hãng, ráp vô không vừa thì ráng chịu nhé; hoặc bộ phận truyền động của xe thì phải biết đường mà mua cái mới; còn xe bị tanh bành luôn và không đủ tiền mua xe mới thì chỉ có nước game over mà thôi. À, nhớ đổ xăng thì xe mới chạy được nhé.
Driver: San Francisco (2011)
Không nhiều game thủ biết đến tựa game này, nhưng nó là một tựa game vừa đặc biệt vừa quái dị. Anh em sẽ vào vai một nhân vật đang bị hôn mê và game có bối cảnh trong một trang thái đang nằm mơ, với nhân vật chính có khả năng “nhập” vào bất kì tài xế nào trên đường đi. Nghe thì thấy quái dị thật đó, nhưng nó cũng vô cùng thú vị anh em ạ. Cần chiến thắng một cuộc đua ư? Anh em có thể đua theo cách bình thường, hoặc nhập vào các tài xế khác trên đường để tạo thành một cuộc hỗn loạn giao thông cũng được. Bên cạnh những màn rượt đuổi kịch tính thì nhạc nền trong game cũng đủ thể loại funk, rock, soul cho anh em nghe, bảo đảm luôn tỉnh táo khi cầm vô-lăng.
Đây còn là một thành tựu về mặt kỹ thuật với chế độ chơi đơn luôn đạt 60fps, đồng thời vẫn đảm bảo rằng anh em có thể tốc biến vào những chiếc xe khác trên đường đi nghe tức thì mà không cần phải chờ loading hay fps bị tụt. Thậm chí, game còn hỗ trợ chế độ splitscreen multiplayer (chia đôi màn hình), cho phép cả 2 người lái xe trong một thế giới mở và được quyền tốc biến đến bất cứ nơi nào mà mình muốn. Driver: San Francisco xứng đáng là ông hoàng trong thể loại đua xe rượt đuổi.
Daytona USA (1993)
Daytona USA là một game điện tử thùng xuất hiện ở hầu hết khu giải trí, và cũng rất khó thể nào mà chấp nhận được một khu giải trí mà thiếu trò này. Daytona USA cực kì phổ biến và doanh thu của nó cũng thuộc hàng khủng chứ không vừa gì đâu. Game sẽ cho anh em một cảm giác lái xe, drift bánh vô cùng chân thực.
Kết hợp với nhạc nền được soạn và trình bày bởi Takenobu Mitsuyoshi tài ba và khả năng hỗ trợ lên đến 8 người chơi, không quá khó hiểu khi Daytona USA chính là nơi hội tụ các tay đua kiệt xuất với những trận đua vô cùng kịch tính. Đối thủ của game này chính là Ridge Racer, dù sau này Ridge Racer đã chuyển lên hệ máy console PlayStation nhưng xét cho cùng thì Daytona USA vẫn là tựa game đua xe điện tử thùng thuộc hàng đỉnh của đỉnh.
Mario Kart 8 Deluxe (2017)
Mario Kart 8 Deluxe chính là kết tinh sau 25 năm tồn tại của dòng game đua xe này. Nó đã trở thành một tượng đài trong dòng game Mario Kart nói riêng và trong thể loại đua xe nói chung. Game có đồ họa rất bắt mắt, có nhiều tay đua để chọn và nhiều thứ để mở khóa. Đặc biệt, các đường đua còn được thiết kế rất độc đáo, vừa có những đường đua mới vừa có những phiên bản được làm lại từ những phần trước. Xe rất dễ điều khiển, tốc độ khung thì thì mượt mà, còn cơ chế powerslide thì khỏi phải chê anh em ạ.
Anh em nào mà hardcore hơn thì có thể học thuộc lòng cả đường đua và tìm ra phương pháp lái xe sao cho lụa hơn, đòi hỏi phải luyện tập nhiều mới master được. Game cũng có nhiều chế độ như Battle mode, VS Race mode để tăng thêm tính đa dạng cho cuộc đua. Đặc biệt, game hỗ trợ chế độ chơi splitscreen multiplayer lên đến 4 người, vừa đủ để gia đình hoặc nhóm bạn bè cùng ngồi chơi chung với nhau xả stress, tận hưởng những phút giây vui vẻ.
Forza Horizon 3 (2016)
Dòng game Forza Horizon là một chuẩn vàng cho tựa game đua xe thế giới mở thời hiện đại. Phần nào cũng đều được khen ngợi hết mức, nhưng để nói là phần xứng đáng được nêu tên nhất thì có lẽ là phần 3. Lý do không phải là vì nó co kho xe đồ sộ, mà là vì thế giới trong game vô cùng đa dạng. Nó có vùng thị trấn ven biển yên tĩnh, với khung cảnh sóng biển vỗ dập dìu vô cùng hữu tình. Nó có rừng nhiệt đới ẩm ướt và dày đặc dẫn đến vùng nông thôn.
Lái xa hơn một chút nữa thì anh em sẽ được thấy vùng hẻo lánh của nước Úc với bụi đỏ bay mịt mù. Không dừng lại ở đó, game còn có thểm 2 bản mở rộng là Blizzard Mountain với khung cảnh Australian Alps đầy tuyết trắng, mang đến một trải nghiệm vô cùng mới lạ; và Hot Wheels với khung cảnh thiên đường nhiệt đới cùng những cung đường vòng ngoằn ngoèo, thậm chí có cả những con thằn lằn khổng lồ nữa. Ở Forza Horizon, ta có thể thấy hình bóng của Midnight Club, Midtown Madness, Test Drive: Unlimited, Project Gotham Racing, và đây cũng chính là những nguyên liệu biến dòng game này trở thành cái tên yêu thích của những tín đồ đua xe.
Gran Turismo 3: A-Spec (2001)
Đã nói về game đua xe thì phải nói đến Gran Turismo. Kazunori Yamauchi – người tạo ra Gran Turismo – tưởng rằng đây chỉ là một game phục vụ cho số ít game thủ hardcore như ông, nhưng ông không ngờ rằng nó đã định nghĩa lại thể loại game đua xe và trở thành khuôn mẫu cho những tựa game mô phỏng đua xe sau này tham khảo theo. Tuy nhiên, để nói phần Gran Turismo nào xuất sắc nhất thì khá là khó, vì mỗi cái có điểm hay riêng.
Tuy nhiên, nếu phải chọn 1 thì Gran Turismo 3: A-Spec sẽ là cái tên đáng được chọn nhất, và đây cũng là phần bán chạy nhất của cả series. Vào thời điểm bấy giờ thì game có đồ họa cực kì thuyết phục anh em ạ. Mặc dù số lượng xe có bị khiêm tốn so với phần 2 và sau này bị lép vế trước phần 4, Gran Turismo 3 trên PS2 đã mở ra một chân trời mới trong làng game đua xe với đồ họa phải nói là cực kì đáng kinh ngạc, chi tiết đến mức chưa từng thấy. Bên cạnh đó, nhạc nền trong game cũng cực kì xuất sắc, làm thỏa mãn bất kì ai mở game này lên chơi.
Burnout 3: Takedown (2004)
Đã 16 năm kể từ lúc Criterion ra mắt Burnout 3: Takedown, và trong 16 năm đó ngành game vẫn chưa thể tìm được cái tên nào xứng đáng để thế chỗ cho game này. Game có tiết tấu vô cùng kịch tính, các xe đâm nhau loạn xạ cực kì phấn khích và yếu tố này vẫn vẹn nguyên y như hồi nó mới được lên kệ vào năm 2004. Đây chính là đỉnh cao của series Burnout. Với đồ họa bắt mắt, cơ chế đua xe vô cùng chính xác, chế độ Crash Mode được thiết kế vô cùng khôn khéo, và nhạc nền dồn dập tràn đầy năng lượng là khiến Takedown nổi bật giữa đám trong vào những năm 2000.
Chỉ cần nghe tiếng máy móc khi sang số thôi là cũng đủ phê lòi anh em ạ. Còn với chế độ Road Rage thì thôi khỏi nói luôn rồi. Chơi chế độ này là anh em cứ đâm đụng thoải mái, và anh em phải đâm đụng để triệt hạ những chiếc xe khác, chứ không là khó leo lên vị trí dẫn đầu được lắm. Đây chính là thứ làm nên tên tuổi của Burnout 3. Đã có rất nhiều game khác cố gắng làm theo nhưng có rất ít game đạt được thành công như game này. Sau này thì có Burnout Revenge, Burnout Paradise cũng là những cái tên đình đám không kém; nhưng Burnout 3: Takedown vẫn là tựa game được đánh giá cao hơn cả và được nhiều người công nhận là một trong những tựa game đua xe xuất sắc nhất mọi thời đại.
Nguồn: IGN