Top 10 tựa game cực đỉnh dành cho tín đồ của thể loại pixel art
Phong cách đồ họa pixel art mang tới một trải nghiệm game cổ điển. Có thể nhiều bạn sẽ nghĩ rằng pixel thì không đẹp bằng game AAA, Ray-Tracing các kiểu. Tuy nhiên, thực chất thì đồ họa pixel nó lại có một nét đẹp riêng và điểm cuốn hút riêng. Game đồ họa pixel không có nghĩa là nó không đẹp, mà là nó đẹp theo kiểu riêng. Sau đây là Top 10 tựa game cực đỉnh dành cho tín đồ của thể loại pixel art.
*Lưu ý: Trong bài viết này, thay vì đề cập những tựa game pixel art kinh điển, bọn mình sẽ ưu tiên nhường đất diễn cho những tựa game hay nhưng ít người biết đến, giúp các bạn có thêm những trò mới để khám phá nhé.
Blasphemous
Blasphemous là một tựa game thuộc thể loại “Souls-like”, tức là giống series Souls gồm Demon’s Souls và 3 phần của Dark Souls đấy. Nói vậy là đủ để bạn hình dung nó ra sao rồi đúng không nào? Ngoài ra, game còn mang đồ họa phong cách pixel art dành cho những bạn nào không chỉ thích game khó mà còn phong cách cổ điển.
Nếu bạn thích Souls series thì chắc chắn bạn se mến luôn Blasphemous. Bạn sẽ vào vai The Penitent One, kẻ sống sót sau sự kiện “Silent Sorrow”, trong chuyến hành trình đi tìm chân lý của bạn và giải cứu thế giới khỏi số phận khủng khiếp. Ngoài phong cách đồ họa ấn tượng, tựa game còn mang đến những màn chặt chém máu me kinh hoàng và những trận đánh boss khó nhằn nhưng đầy thỏa mãn.
Worldbox – God Simulator
Worldbox – God Simulator cung cấp một gameplay chính xác như cái tiêu đề game gợi ý: Tạo ra một vùng đất và cho bạn cai trị nó như một vị thần. Sau khi người chơi khởi động game, họ sẽ được đưa đến một thế giới ngẫu nhiên và tùy ý quản lý nó. Tuy nhiên, nếu khả năng quản lý của bạn kém thì nó sẽ dẫn tới các hậu quả khôn lường.
Đồ họa game phong cách pixel art đơn giản hóa thông tin hiển thị trên màn hình, giúp người chơi nắm được ý chính chung về cách các nền văn minh của họ đang phát triển như thế nào chỉ bằng cách lướt nhìn. Mặc dù hình ảnh game không phải lúc nào cũng được làm chi tiết, nó vẫn có thể tạo ra được một số cảnh tượng đáng kinh ngạc khiến người chơi có cảm giác như thần thánh.
Owlboy
Phong cách đồ họa pixel art vẫn là một phong cách phổ biến được sử dụng để làm game cho tới tận ngày hôm nay. Đơn giản là vì đồ họa pixel không chỉ tạo cảm giác hoài cổ, mà nó còn thể hiện được những chi tiết đặc biệt mà không phải tựa game đồ họa đẹp long lanh nào cũng làm được. Tất cả những điều đó được thể hiện rất rõ trong tựa game indie nổi tiếng Owlboy. Trong game, bạn sẽ vào vai một người anh hùng bị câm với cơ thể nửa người, nửa cú có tên là Otis.
Otis sinh sống trên những hòn đảo nổi lơ lửng giữa bầu trời của thế giới Vellie. Nơi đây bao gồm những ngôi làng nhỏ, một số thành phố lớn và rất nhiều môi trường thiên nhiên khác nhau. Do Otis cũng như những người bạn của anh ấy đều biết bay, nên bạn có thể dắt họ đi tham quan, cũng như là tham gia vào các cuộc phiêu lưu trên bầu trời hoành tráng trong game Owlboy.
Huntdown
Thế giới đã đi vào ngõ cụt, điều này đã để cho các tập đoàn có quyền hành điều khiển dân chúng. Và tất nhiên, một xã hội như vậy sản sinh ra những kẻ nổi loạn dưới dạng băng đảng, những kẻ chủ yếu tồn tại để gieo rắc bạo lực trên khắp các đường phố. Huntdown cho người chơi đảm nhiệm vai trò của những kẻ săn tiền thưởng. Game có rất nhiều pha đọ súng và cháy nổ.
Huntdown ra mắt vào thời điểm cuối những năm 80 và đầu những năm 90. Do đó, phong cách đồ họa pixel art và cảm giác cổ điển được phản ánh rất rõ trong game, từ môi trường, thiết kế nhân vật cho tới phần nhạc nền.
Teenage Mutant Ninja Turtles: Shredder’s Revenge
Nhắc đến cái tên Ninja Rùa thôi là biết bao kỷ niệm ùa về rồi. Với phong cách đồ họa “ngày xửa ngày xưa”, Shredder’s Revenge sẽ là tựa game pixel art cho bạn một chiếc vé đi về tuổi thơ đó nha. Vì là game hành động nên những màn chơi trong Shredder’s Revenge rất là hỗn loạn, nhưng nó vẫn được tiết chế hợp lý để không khiến game thủ bị phân tâm. Trong game, Foot Clan lại một lần nữa âm mưu gieo rắc kinh hoàng cho thành phố New York, và thế là anh em Ninja Rùa phải đứng lên trừ gian diệt bạo cùng với Master Splinter, April O’Neil, và Casey Jones.
Trò này có thời lượng không quá dài, nhưng với 7 nhân vật khác nhau cho bạn lựa chọn thì giá trị chơi lại của trò này rất là cao. Mỗi nhân vật sẽ có các chiêu thức và cách di chuyển khác nhau, nên để điều khiển thuần thục được hết dàn nhân vật này thì nó sẽ ngốn của bạn kha khá thời gian đó. Chưa kể mỗi màn chơi còn được thiết kế độc đáo để mỗi lần chơi lại là một trải nghiệm mới. Cơ chế combat trong game cũng được tinh chỉnh để phù hợp với “khẩu vị” của fan ngày nay, cộng với đó là hàng tá nâng cấp cho các nhân vật để bạn tha hồ choảng nhau với mấy tên xỏ lá.
The Messenger
The Messenger là một tựa game hành động đi cảnh. Nhân vật chính trong game là một ninja với nhiệm vụ vượt qua các vùng đất đầy nguy hiểm để giao một cuộn giấy để giải cứu tộc của mình. Cách mà tựa game này khai thác phong cách pixel art cũng rất là thú vị. Ban đầu, các màn chơi được thiết kế theo kiểu 8-bit, nhưng rồi cốt truyện sẽ cho bạn du hành thời gian và biến phong cảnh thành kiểu 16-bit. Bạn nào thích game retro cũng có thể cảm thấy hứng thú với The Messenger đó.
Mới vô game thì cơ chế điều khiển cũng đơn giản thôi. Dần dần bạn sẽ được mở khóa thêm kỹ năng mới để đối đầu với mấy tên địch sừng sỏ, và cũng để vượt qua các thử thách trên đường đi dễ dàng hơn. Ngoài ra, bạn còn có thể thu thập Time Shards để nâng cấp nhân vật nữa nhé. Đặc biệt, game còn có yếu tố hài hước, mang đến những phút giây xả stress sau những trận combat kịch tính.
Baba Is You
Nhắc đến game giải đố pixel art thì không thể nào bỏ qua trò Baba Is You được. Nó có gameplay độc nhất vô nhị, chả có nét gì giống với những trò giải đố trước giờ cả. Mỗi màn chơi đều có một chuỗi quy luật, chẳng hạn “baba is you” (Baba là bạn), “wall is stop” (bức tường là dừng lại), “flag is win” (lá cờ là chiến thắng). Bạn sẽ tận dụng những quy luật này để giải câu đố trong màn chơi. Như trong ví dụ vừa rồi, để qua màn thì bạn phải điều khiển con thỏ (tên là Baba) đi đến chỗ lá cờ.
Tuy nhiên, quy luật này không phải lúc nào cũng chắc như đinh đóng cột mà đôi lúc, bạn có thể tự do di chuyển các “khối” vật thể này để tạo ra quy luật mới, và đây chính là điều khiến game Baba Is You cực kì “xoắn não”. Trong game này, bạn là người tự tạo ra quy luật nên nhiều lúc, câu trả lời đơn thuần chỉ là tạo ra quy luật để bạn đi xuyên tường, hoặc phức tạp hơn thì có thể biến mình trở thành… cái tường luôn cũng được.
Omori
Omori kết hợp phong cách pixel art và đồ họa vẽ tay để tạo ra những khung cảnh đầy ấn tượng, mang đến cho game thủ những cảm xúc rất khó để diễn tả bằng lời. Omori mở đầu bằng những hình ảnh dễ thương và xinh xắn tựa như những bức tranh ngây thơ của những đứa trẻ con. Tuy nhiên, càng đi sâu vào cốt truyện thì những hình ảnh dễ thương trước đó lại mau chóng bị biến dạng thành những hình ảnh ghê rợn khiến người chơi bị sốc tinh thần.
Game sẽ đưa bạn đi từ những khung cảnh dễ thương đầy màu sắc y như một bộ phim hoạt hình sang một khung cảnh hoàn toàn khác hẳn với tông màu chủ đạo là đen trắng cơ bản. Các họa tiết trong game cũng tạo cảm giác giống như là chúng được phác họa bằng những nét bút chì màu của trẻ em. Mà các bạn cũng biết rồi đấy, tranh của trẻ con vẽ thì nó nhìn bình thường nhưng khi ở trong một bối cảnh kinh dị thì nó… mang lại một cảm giác hoàn toàn khác. Nhà làm game đã rất khéo léo khi kết hợp phong cách đồ họa đơn giản với những nét vẽ bằng chì của trẻ em, một cốt truyện game rùng rợn và sự lồng ghép giữa tình bạn bè thân thiết dần dần lụi tàn, và hình ảnh bắt nạt, tâm lý bất ổn của cậu bé nhân vật chính sẽ khiến bạn nhìn ngẫm lại cuộc đời.
To The Moon
Game kể về câu chuyện một cụ già nằm trên giường bệnh muốn hoàn thành giấc mơ của cả đời mình: bay lên cung trăng. May mắn thay, có 2 nhà khoa học cho ông biết rằng họ có thể giúp ông hoàn thành tâm nguyện của mình và cấy thông tin này vào trong ký ức của ông. Câu chuyện sau đó là 2 nhà khoa học cùng nhau nhìn lại cuộc đời của cụ già kia để lấy những thông tin cần thiết. Và họ đã bất ngờ tìm được một câu chuyện lay động lòng người của ông cụ này.
Kết hợp đồ họa phong cách pixel art với phần nhạc nền trong game được thể hiện bằng piano, nội dung câu chuyện của To The Moon càng được đẩy lên cao trào. Có bài thì nghe u sầu, có bài thì tràn đầy hi vọng, như những miền ký ức của ông cụ mà người chơi sẽ được trải qua. To The Moon là một câu chuyện về niềm hi vọng, và nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống này vừa tươi đẹp, vừa khắc nghiệt, và cũng chính vì vậy mà nó thực sự rất tuyệt vời.
Core Keeper
Game sinh tồn sandbox thì không còn lạ gì với game thủ chúng ta nữa rồi, nhưng riêng trò Core Keeper với đồ họa pixel art thì phải nói là “hàng hiếm” các bạn ạ. Game sẽ đưa cho người chơi một vài công cụ để đào, đưa bạn xuống các hang nằm dưới lòng đất, và rồi… cắt đứt dây cho bạn tự tìm đường sống dưới đó. Mục tiêu của trò này là xây dựng nên một căn cứ vững chãi, tìm kiếm hoặc chế tạo ra những món đồ vật xịn sò, thu thập tài nguyên, và đào đường để đi đến những khu vực mới, tìm trùm mới để đánh, hoặc là tạo ra những lối đi tắt.
Mấy ý tưởng trên đều đã xuất hiện trong những tựa game sinh tồn sandbox xuất hiện nhan nhản trên thị trường rồi, nhưng Core Keeper lại có khả năng giữ chân game thủ với các yếu tố mới lạ và độc đáo. Game hiện vẫn còn đang trong giai đoạn Early Access trên Steam (tính đến tháng 5/2023), cho nên đến khi nó ra mắt chính thức thì dự là sẽ còn hấp dẫn hơn nhiều.
Trên đây là top 10 tựa game cực đỉnh dành cho tín đồ của thể loại pixel art. Hy vọng bài viết này đã mang đến những gợi ý hợp lý để bạn có những phút giây giải trí tuyệt vời.
Tất nhiên, muốn chơi game ngon lành thì bạn cũng cần có một chiếc máy tính vận hành đáng tin cậy. Nếu đang cần tìm chiếc máy như vậy thì bạn có thể đến với GearVN – hệ thống cửa hàng Hi-end PC, gaming gear chuyên nghiệp và uy tín hàng đầu Việt Nam. Với đội ngũ vốn xuất thân từ dân mê game và streamer mà ra, GearVN luôn hiểu khách hàng muốn gì, cần gì để mang đến những sản phẩm tốt nhất và trải nghiệm tuyệt vời nhất!