“Mổ bụng” Mac Studio, phát hiện chip M1 Ultra bự gấp 3 lần CPU AMD Ryzen
Mac Studio được trang bị chip M1 Ultra “khổng lồ” và sử dụng SSD theo dạng môđun.
Chiếc Mac Studio tuy có thiết kế tối giản nhưng hiệu năng của nó không phải là dạng vừa đâu nhe. Bên trong là con chip Apple M1 Ultra chiếm đến ¼ diện tích bo mạch chủ, dàn VRM rất phức tạp, và 2 chiếc SSD. Nói một cách nôm na thì Apple Mac Studio là một kiệt tác nghệ thuật: kết nối hàng trăm linh kiện nhỏ lẻ với nhau trong một không gian vô cùng nhỏ gọn.
Con chip Apple M1 Ultra thực chất là 2 SoC M1 Max ghép vào chung trong một CoWoS-S (chip-on-wafer-on-substrate with silicon interposer) của TSMC. Cả 2 con SoC này đều có hệ thống bộ nhớ (memory subsystems). Chúng được kết nối với nhau thông qua liên kết UltraFusion của Apple sở hữu băng thông lên đến 2,5 TB/s, vừa đủ để hệ điều hành có thể “hiểu” 2 GPU và 2 hệ thống bộ nhớ như là 1. Chính vì có kiến trúc phức tạp như thế nên việc SoC M1 Ultra có kích thước khá lớn cũng là điều không quá khó hiểu.
So với vi xử lý AMD Ryzen (socket AM4) thì con chip M1 Ultra có kích thước lớn hơn gấp 3 lần. Một con chip M1 Ultra sẽ chiếm khoảng 25% diện tích bo mạch chủ của chiếc Mac Studio. Vì bên trong có tới 2 M1 Max nên M1 Ultra sẽ có tới 2 dàn VRM phức tạp để cấp điện cho 2 cái M1 Max chạy ở mức xung nhịp cao.
Do M1 Ultra ngốn khá nhiều điện và tạo ra nhiều nhiệt nên chuyện Mac Studio được trang bị hệ thống làm mát 2 quạt xịn sò cũng là điều hiển nhiên. Hệ thống này sẽ lấy nhiệt từ mặt trên và mặt dưới của vi xử lý, đủ để thấy con chip M1 Ultra nóng đến mức nào rồi đó.
Có một điều đặc biệt nữa là Mac Studio lần này có SSD được thiết kế theo kiểu modular thay vì là hàn chết như những chiếc máy Apple trước đây. Điều này sẽ mở ra cơ hội cho người dùng nâng cấp linh kiện bên trong, miễn là phần mềm chịu “hợp tác” với phần cứng mới. Chiếc Mac Studio sẽ có 2 khe SSD modular, và tùy vào phiên bản mà bạn sẽ thấy nó được gắn sẵn 1 hoặc 2 chiếc SSD.
Có một điều cần lưu ý là SSD mà Apple trang bị cho Mac Studio có kích thước đặc biệt, và đây cũng là điều hợp lý vì bộ điều khiển SSD đã nằm trong SoC rồi, nên bản thân SSD không cần phải trang bị bộ điều khiển nữa. Theo thông tin chính thức thì Apple nói là người dùng không thể nâng cấp những chiếc ổ cứng này, cho nên nếu bạn tự ý lấy SSD này ra thì có thể sẽ mất bảo hành. Tuy nhiên, khả năng là sau này Apple sẽ ủy quyền cho một số bên để họ nâng cấp SSD giùm người dùng, hoặc là cho phép người dùng tự nâng cấp luôn.
Có lẽ nhờ SSD được thiết kế theo kiểu môđun nên Mac Studio mới có nhiều dung lượng ổ cứng như 512GB, 1TB, 2TB, 4TB, 8TB; đồng thời giúp Apple tiết kiệm chi phí sản xuất bo mạch chủ nhiều hơn so với thiết kế theo kiểu hàn chết SSD (vì phải sản xuất nhiều bo mạch chủ với combo dung lượng SSD + RAM khác nhau).
Tóm tắt ý chính:
- Bên trong là con chip Apple M1 Ultra chiếm đến ¼ diện tích bo mạch chủ, dàn VRM rất phức tạp, và 2 chiếc SSD
- Apple M1 Ultra thực chất là 2 SoC M1 Max ghép vào chung trong một CoWoS-S của TSMC
- Chúng được kết nối với nhau thông qua liên kết UltraFusion của Apple với băng thông lên đến 2,5 TB/s
- So với vi xử lý AMD Ryzen (AM4) thì con chip M1 Ultra có kích thước lớn hơn gấp 3 lần
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Reviewer “bóc phốt” Apple thổi phồng hiệu năng đồ họa của Mac Studio
- Lộ điểm benchmark chip M1 Ultra của Apple, 20 nhân mạnh gần bằng Threadripper 64 nhân
- Apple ra mắt máy bàn Mac Studio siêu gọn gàng nhưng mạnh hơn cả Mac Pro
Nguồn: tom’s HARDWARE
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!