Nguồn công suất "ảo" - Tác hại và cách phân biệt với nguồn công suất thực
Một trong những vấn đề nhức nhối muôn thuở của anh em dùng PC… Thứ khiến biết bao nhiêu dàn máy đang yên đang lành tự nhiên về chầu ông bà… Nó cũng đã làm rất nhiều anh em phải hối hận vì sai lầm ham rẻ của mình… Và người ta gọi nó là: Nguồn công suất “ảo”
Hôm nay mình sẽ viết về một vấn đề khá là kinh điển với anh em dân công nghệ. Đó là tác hại của nguồn công suất “ảo”. Nó cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt là với mấy bác newbie vì họ vẫn còn mù mờ về nguồn, chưa biết khái niệm “công suất ảo” và thường có xu hướng chọn nguồn giá càng mềm càng tốt để tiết kiệm chi phí cho những linh kiện mà họ xem là hữu ích hơn. Hy vọng bài viết này sẽ giúp anh em nắm được khái niệm “nguồn công suất ảo” cũng như nhận thức được giá trị của nguồn công suất thực.
Công suất thực là như thế nào mà công suất “ảo” nó ra làm sao?
Người dùng thông thường đều sẽ nhìn vào con số trên tên mã của cục nguồn để biết công suất thực của nó. Đó cũng là cách nhanh nhất để một hãng nguồn uy tín thông báo đến cho người dùng rằng “này, cục nguồn của tui mạnh cỡ này, anh cần thì anh mua nhé”. Ví dụ cục nguồn FSP Hexa 85+ 650W sẽ có công suất thực bằng 650W, anh em nếu đang cần tìm cục nguồn như vậy thì cứ nhìn vào là biết mà mua.
Nguồn FSP Hexa 85+ 650W có công suất thực là 650W
Một cục nguồn chỉ có thể được gọi là nguồn “công suất thực” khi nó duy trì được công suất tối đa tính bằng Watt như con số trên tên mã của nó. Từ “công suất thực” ở đây có ý nghĩa lớn nhất là không gây nhầm lẫn cho người dùng. Ngày nay thì việc tìm một cục nguồn công suất thực không phải là cái gì đó khó khăn như tầm 10-15 năm trước, khi mà đa số người dùng ở Việt Nam đều mua mờ về công nghệ nữa. Các hãng nguồn lớn và có uy tín hiện nay như FSP, Corsair, CoolerMaster… luôn đảm bảo được rằng con số ghi trên tên mã của cục nguồn cũng tương đương với công suất thực của nó, là mức công suất ổn định lớn nhất mà nguồn có thể duy trì.
Nguồn GS700 được giới thiệu có “công suất tối đa 700W”, nhưng công suất thực chỉ 600W
Đó là nguồn công suất thực nhé, nguồn công suất “ảo” thì nó sẽ khác. Thường thì mấy hãng nguồn không tên tuổi, uy tín thấp sẽ dùng cái trò là ghi con số công suất tối đa mà nguồn có thể chuyển đổi trong một khoảng thời gian ngắn (gọi là công suất đỉnh, thường là chỉ duy trì được vài giây) lên tên mã nguồn. Kết quả là họ đã đánh tráo khái niệm để lừa gạt người dùng, rằng nguồn của họ có công suất thực như những gì họ ghi trên tên mã. Sau đó họ sẽ quảng cáo cục nguồn rẻ tiền công suất thấp đó như một cục nguồn công suất cao thực sự, và đương nhiên là với một cái giá rẻ bèo so với những bộ nguồn công suất thực có “số” tương đương.
Vì sao anh em cần phải biết về vụ này?
Sẽ có một số anh em newbie thắc mắc “vì sao chúng ta lại phải quan tâm đến chuyện công suất thực hay công suất ảo của mấy ông hãng nhỉ?”. Mình thì xin trả lời như thế này: Ghi công suất thế nào là chuyện của hãng nhưng nếu mấy cục nguồn đó mà ghi số bậy bạ thì sẽ ảnh hưởng đến bộ PC mà nó gắn vào, lúc này thì đó lại là chuyện của chúng ta – những người dùng phổ thông.
Nguồn công suất thực là một sự đảm bảo
Như mình đã nhắc đến không biết bao nhiêu lần trong các bài viết của mình, cục nguồn uy tín không tăng FPS cho game, không rút ngắn thời gian render nhưng nó vẫn là phần cực kỳ quan trọng trong dàn PC. Nhiệm vụ của nó là chuyển đổi điều phối và cung cấp dòng điện cho dàn linh kiện trong toàn hệ thống. Chỉ khi có một cục nguồn đủ tốt, cho dòng điện ổn định thì linh kiện của anh em mới hoạt động tốt và bền bỉ với thời gian được. Mấy cục nguồn mà đã ghi công suất đểu thì chắc chắn “bộ đồ lòng” của nó cũng khó mà đàng hoàng tử tế được. Anh em mà nhắm mắt cắm bừa mấy cụ nguồn đó vào máy mình thì cũng giống như là nuôi ong tay áo vậy, ban đầu có thể không sao nhưng lâu dài thì không ổn chút nào.
Một ví dụ cơ bản nhất là anh em có một con card đề nghị công suất nguồn 500W, anh em đi mua nguồn và vớ phải một cục nguồn 500W công suất “ảo”, công suất thực tế của nó tầm 300W-400W thôi. Mang về cắm vào thì máy vẫn chạy bình thường. Tuy nhiên cục nguồn đó cũng sẽ luôn chịu tải cao, cộng với đống linh kiện đểu bên trong thì kiểu gì cũng sớm tèo. Mà nguồn chết thì anh em biết rồi đấy, thường thì nó sẽ không chết một mình đâu! Cái đó là về lâu dài nhé, còn về tức thời thì là đôi khi hệ thống của anh em sẽ cần lượng điện cao hơn mức mà cục nguồn có thể đáp ứng, và thế là sập nguồn luôn. Mà sập nguồn kiểu đó sẽ giảm tuổi thọ linh kiện toàn hệ thống nhé, chỉ là ít hay nhiều mà thôi.
Tránh bị chăn gà
Việc phân biệt nguồn công suất thực và công suất ảo cũng sẽ giúp anh em không bị vướng vào mấy chiêu trò quảng cáo thiếu đạo đức. Thông thường thì mấy đại lý bán linh kiện PC và uy tín lớn sẽ không nhập mấy thứ nguồn công suất ảo này về, anh em cũng không cần phải quá lo sợ. Tuy nhiên nếu phân biệt rõ được nguồn nào là nguồn công suất thực, nguồn nào công suất ảo thì anh em mua đồ cũ cũng tránh được việc mua phải mấy cục nguồn bậy bạ.
Nguồn giá mềm không có nghĩa là một cục nguồn rẻ tiền ghi khống công suất
Mấy dòng nguồn giá mềm hiện nay cũng không phải là thiếu. Các hãng nguồn lớn luôn có dải sản phẩm rất rộng, bao gồm cả phân khúc bình dân. Nếu muốn giá thật mềm nhưng công suất thật cao thì anh em có thể tham khảo một số dòng nguồn như AX bình dân như FSP AX/Hydro K series, CoolerMaster MWE/Elite series, hay sang hơn thì Corsair CV series.
Đây là điều mà mình muốn nhấn mạnh với anh em. Nguồn mà ghi công suất đỉnh (vốn cao hơn công suất thực) lên tên mã thì nhà sản xuất đã cố tình đánh tráo khái niệm để lừa gạt người dùng rồi, thế nên anh em sẽ chẳng thể mong chờ điều gì tốt đẹp đâu. Thế nên một cục nguồn công suất thực dù có số nhỏ hơn đi nữa cũng sẽ luôn tốt hơn. Đừng ham giá mềm để rồi tự nhận thiệt thòi vào người nha anh em.
Cách để đảm bảo mua nguồn công suất thực, tránh xa nguồn công suất ảo
Như mình đã chia sẻ ở trên, ngày nay mua một bộ nguồn tốt với công suất thật không phải là điều khó khăn. Đơn giản nhất là anh em cứ đập tiền vào các hãng nguồn lớn cho mình, gì chứ mấy to như Corsair, CoolerMaster, FSP, Seasonic,… thì hàng bao xịn, đã công bố thì công suất đảm bảo là thật.
Để yên tâm thì đối với các bộ nguồn có chứng nhận 80 PLUS, anh em có thể kiểm tra bảng chi tiết công suất – tổng công suất khớp với số trên tên của nguồn là đẹp. Lưu ý là nếu chỉ đạt chuẩn 80 PLUS thôi là chưa đủ nha anh em, vì một số hãng vẫn khai “điêu” công suất ảo là công suất đỉnh – về cơ bản thì không sai nhưng khiến người dùng nhầm lẫn.
Chúc anh em chọn được bộ nguồn mà mình ưng ý!
Mời các bạn tham khảo thêm một số bộ hình nền liên quan tại GVN 360 như: