Những linh kiện PC độc đáo nhưng đã “tuyệt chủng” theo năm tháng
Trong thế giới công nghệ có rất nhiều linh kiện PC bị biến mất do không còn hữu dụng nữa. Mời các bạn cùng xem qua một số gương mặt tiêu biểu nhé.
Hiện nay, hầu hết linh kiện PC đều tuân theo những chuẩn quen thuộc, chẳng hạn như CPU vuông vức, RAM DDR, bo mạch chủ kích thước ATX, nhìn rất chi là gọn gàng. Tuy nhiên, trên hành trình phát triển của PC, chúng ta đã bắt gặp không ít chuẩn… “quái dị”, nhìn rất khác biệt so với những gì mà chúng ta đang sử dụng ngày nay.
CPU dạng gắn vào khe
Đầu tiên, chúng ta hãy nói đến chủ đề CPU nhé, mà cụ thể ở đây là CPU được gắn vào khe (slot-based CPU). Thay vì gắn vi xử lý vào cái socket trên bo mạch chủ rồi ụp tản nhiệt lên như ngày nay, vào cuối những năm 90 của thế kỷ 20, những bo mạch chủ thời đó sẽ có một cái khe nhìn na ná cái khe PCIe ngày nay, và bạn sẽ gắn một cái card chứa CPU vào khe đó (kiểu như card chuyển đổi vậy). Trên card này sẽ được tích hợp CPU (được hàn chết trên bảng mạch) và sẽ có một cái ốp nhựa che lên.
Lý do chiếc card này xuất hiện không hẳn là để gắn CPU dễ hơn. Chiếc card CPU đầu tiên dành cho desktop là Pentium II (1997) và nó được thiết kế để bảo đảm rằng trên bảng mạch có đủ diện tích cho phần bộ nhớ đệm của CPU. Hồi những năm 90, việc tích hợp bộ nhớ đệm trực tiếp vào bên trong con CPU như hiện nay không phải là điều dễ dàng các bạn ạ.
Intel Pentium Pro (xuất hiện trước Pentium II) được trang bị bộ nhớ đệm nằm ngay kế bên CPU trong cùng 1 con chip. Cách này sẽ cải thiện hiệu năng, nhưng việc tích hợp cả 2 cái vào cùng 1 con chip đồng nghĩa với việc Intel sẽ phải bỏ nguyên cả con chip nếu 1 trong 2 bị hỏng, và họ chỉ phát hiện ra điều này khi mọi chuyện đã rồi. Kết quả là sản lượng của nó không được nhiều, và rất nhiều silicon bị phung phí.
Pentium II ra đời là để giải quyết vấn đề này. Phần bộ nhớ đệm sẽ được tách biệt hoàn toàn khỏi phần CPU, thế nên cần có một bảng mạch với kích thước lớn để đủ không gian cho cả 2. Intel còn dùng thiết kế này cho một số CPU khác như mấy con Celeron và Pentium III; hay thậm chí AMD cũng có con chip Athlon đời đầu được thiết kế theo kiểu này.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ thì bóng bán dẫn cũng dần được thu nhỏ lại, dây chuyền sản xuất chip cũng được cải tiến rất nhiều. Điều này giúp việc tích hợp bộ nhớ đệm vào bên trong CPU trở nên khả thi. Thế nên vào khoảng năm 2001, cả Intel lẫn AMD đều ngưng dùng thiết kế CPU gắn vào khe.
BTX (Balanced Technology eXtended)
Ban đầu, chuẩn này được tạo ra với mục đích thay thế cho chuẩn ATX của bo mạch chủ. Intel ra mắt BTX vào cuối năm 2004, tin rằng PC sử dụng chuẩn này sẽ tiết kiệm không gian và hoạt động mát mẻ hơn. Lý do là vì hệ thống BTX có hẳn một cái ống dẫn khí (air duct) dành riêng cho CPU, và có thêm một cái quạt lấy khí mát trực tiếp từ bên ngoài thùng máy.
Những linh kiện tỏa nhiệt khác như Southbridge hay bộ điều khiển card mở rộng sẽ được đặt gần nhau hơn để cải thiện hiệu suất (efficiency) và ít tỏa nhiệt hơn. Vào thời này thì việc cải thiện hiệu năng làm mát là một trong những yếu tố tiên quyết, do linh kiện PC ngày càng trở nên mạnh mẽ một cách nhanh chóng và tỏa nhiều nhiệt hơn. Cơ mà nếu vậy thì tại sao BTX lại thất bại nhỉ?
Lý do mà BTX bị “tuyệt chủng” thực chất là vì dòng CPU Pentium 4 mà Intel đang bán ở thời điểm đó chạy cực kỳ nóng do những vấn đề liên quan đến kiến trúc. Chúng đều rất khó để khắc phục, vậy nên thay vì cố gắng giới thiệu một chuẩn bo mạch chủ mới thì Intel đã quyết định phát triển dòng chip mới ít ngốn điện hơn. Và thế là chúng ta có dòng vi xử lý Intel Core 2 Duo vào năm 2006, cùng lúc đó thì Intel cũng xóa sổ BTX luôn.
RDRAM của Rambus
Rambus là một công ty chuyên sản xuất RDRAM – đối thủ lớn của DDR SDRAM dùng trong những chiếc PC ngày nay. Nó cũng hỗ trợ “double data rate transfer” trước cả SDRAM luôn. Intel đồng ý dùng Rambus độc quyền cho Pentium 4, thế nên có rất nhiều người trong ngành đã nghĩ rằng RDRAM sẽ thống lĩnh thị trường.
Tuy nhiên, những con số ấn tượng trên giấy tờ không có nghĩa là sản phẩm sẽ thành công trên thị trường. Việc sản xuất RDRAM không hề dễ dàng một chút nào, mắc tiền, chạy rất nóng, và trong hầu hết tác vụ thông thường nó cũng chẳng có gì xịn sò hơn SDRAM cả. Thêm vào đó, phải lắp các môđun RDRAM theo cặp thì mới chạy được, khiến sản phẩm tăng giá và trở nên khó tiếp cận hơn, nhất là đối với những ai chỉ xài PC để xử lý các tác vụ cơ bản.
Với những vấn đề nêu trên, cũng không quá khó hiểu khi Intel nắm lấy cơ hội để chuyển sang hỗ trợ DDR SDRAM với tốc độ nhanh hơn và giá thành thấp hơn khi nó ra mắt vào năm 2000. Cơ bản thì RDRAM đã “bay màu” vào năm 2003.
Hi vọng thông tin trên sẽ giúp bạn khám phá ra những điều mới mẻ về thế giới công nghệ. Nếu các bạn có góp ý hoặc bổ sung thì hãy chia sẻ với mình bên dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Trong CPU có bao nhiêu vàng?
- Rank của RAM là gì và nó cải thiện hiệu năng PC như thế nào? Đây là câu trả lời cho bạn
Nguồn: Techquickie