Tìm hiểu về lượng nổ lõm, công nghệ giúp đạn xuyên hàng trăm mm giáp thép xe tăng mà không cần tốc độ
Trước khi có lượng nổ lõm, sức xuyên phá giáp của đạn phụ thuộc nhiều vào tốc độ, nói chính xác hơn là động năng của viên đạn. Đạn càng nặng, càng cứng và bay càng nhanh (sơ tốc càng cao) thì xuyên phá giáp càng tốt. Tuy nhiên đến khi những quả đạn HEAT với lượng nổ lõm ra đời thì nó đã thay đổi tất cả. Hiện nay những quả rocket, tên lửa vác vai vốn chậm chạp cũng có thể dễ dàng đục xuyên qua cả mét thép đặc. Sau đây mời các bạn cùng mình tìm hiểu về công nghệ vũ khí đặc biệt này nhé.
Lượng nổ lõm là một khối thuốc nổ khoét lõm ứng dụng hiệu ứng Munroe, tập trung sức nổ để phá xuyên vật cản
Thế Chiến Thứ 2 là thời điểm mà công nghệ vũ khí phát triển vượt trội, trong đó có kỹ thuật chế tạo xe tăng và các loại vũ khí để tiêu diệt chúng. Trong cuộc chạy đua vũ trang giữa các phe tham chiến trong Thế Chiến Thứ 2, xe tăng có lớp giáp ngày càng dày hơn khiến cho việc xử lý chúng ngày một khó khăn. Lúc này các kỹ sư quân sự đã tìm đến một phương pháp tuy không mới mẻ gì nhưng vẫn đầy hiệu quả – ứng dụng lượng nổ lõm.
Lượng nổ lõm về căn bản là một khối thuốc nổ được khoét lõm hình phễu, sao cho tập hợp năng lượng của vụ nổ về một điểm. Hiệu ứng này được gọi là hiệu ứng Munroe, đặt theo tên của nhà hóa học người Mỹ Charles E. Munroe, người đã phát hiện ra nó vào năm 1888. Mặc dù thí nghiệm của Charles E. Munroe, đã được công bố vào năm 1900 nhưng phải đến 44 năm sau, khi mà Thế Chiến Thứ 2 đang ở giai đoạn cao trào thì người ta mới thấy được nó quan trọng như thế nào trong chiến tranh.
Lượng nổ lõm trong đạn thường được đặt một cái phễu kim loại vào giữa. Khi được kích nổ, khối thuốc nổ sẽ ép, nhét, bắn cái phễu này về một điểm. Và luồng kim loại nóng chảy đó sẽ bắn tập trung vào một điểm nhỏ trên mục tiêu với tốc độ gấp nhiều lần vận tốc âm thanh. Nhờ đó mà lượng nổ lõm có thể đục thủng lớp thép dày vài trăm mm một cách dễ dàng. Loại đạn này được gọi là đạn HEAT (high-explosive anti-tank) hay đạn nổ mạnh chống tăng.
Không cần tốc độ, đầu đạn HEAT với lượng nổ lõm cũng có thể xuyên hàng trăm mm giáp thép xe tăng
Những quả đạn HEAT sơ khai thời Thế Chiến Thứ 2 đã có thể xuyên được lớp giáp thép dày 1,5 đến 2,5 lần đường kính của chúng. Con số này ở đạn nổ lõm hiện đại là khoảng gấp 7 lần, thậm chí có thể lên đến gấp 10 lần. Nhiều mẫu tên lửa chống tăng và đạn HEAT hiện đại có thể đục xuyên đến trên 1000mm thép đặc. Khi thứ này xuyên phá vào xe tăng thì nó sẽ làm gỏi luôn kíp lái bằng mớ vụn giáp xe tăng bay và kim loại nóng chảy bay tứ lung tung.
Do hầu hết sức xuyên phá của đầu đạn HEAT phụ thuộc vào sức mạnh của lượng nổ lõm mà nó mang theo nên tốc độ của viên đạn cũng không cần cao như đạn xuyên giáp bằng động năng truyền thống. Và đặc điểm này của nó đã tạo ra cả một cuộc cách mạng trong chiến tranh. Đạn HEAT ra đời có nghĩa là người ta không còn nhất thiết phải dùng đến một khẩu pháo to đùng nặng hàng tấn để diệt xe tăng, một người lính bộ binh bình cũng có thể làm được chuyện đó với một quả tên lửa vác vai lắp đầu đạn HEAT.
Panzerfaust
Nói về những hệ thống bắn tên lửa vác vai chống tăng thì phải kể đến những mẫu Bazooka của Mỹ và Panzerschreck, Panzerfaust của Đức. Chúng đều là những vũ khí chống tăng bắn ra những viên đạn chậm chạp dưới tốc độ âm thanh nhưng có thể hủy diệt những chiếc xe tăng trâu bò nhất thời đó, miễn là bắn chuẩn.
Bazooka
Hiện đại hơn thì có thể kể đến dòng súng chống tăng huyền thoại RPG-7 (Việt Nam gọi là B41) ngay từ đời đầu tiên đã xuyên được 260mm thép, từng tiêu diệt vô số mẫu xe tăng từ cổ lỗ sĩ cho đến tối tân.
B41
Lượng nổ lõm cũng được ứng dụng trong bom ba càng, một loại vũ khí chống tăng cảm tử được Đế quốc Nhật Bản phát minh và từng được bộ đội Việt Nam sử dụng trong kháng chiến chống Pháp. Đây là loại vũ khí thậm chí còn không cần bắn, miễn là chiến sĩ cắm được nó lên xe thiết giáp của quân địch thì lượng nổ lõm trong quả bom sẽ lo việc còn lại.
Trên đây là một vài thông tin cơ bản về lượng nổ lõm và đạn HEAT, thứ công nghệ xuyên giáp siêu bá đạo đã thay đổi chiến trường mãi mãi. Hy vọng bài viết đã mang đến cho các bạn những thông tin thú vị. Cảm ơn các bạn vì đã quan tâm theo dõi và chúc các bạn có một ngày tốt lành!
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Vì sao đạn pháo pháo phòng không bắn gần trúng cũng nổ và vì sao nó phải nổ như thế?
- Súng đã mất hàng thế kỷ để “tiến hóa” lên nòng xoắn, thế sao xe tăng hiện đại lại quay về nòng trơn?
- Top 5 khẩu súng bắn tỉa đáng sợ nhất thế giới
Nguồn: Wikipedia – Shaped charge