Undervolt là gì? Khi nào bạn cần Undervolt cho CPU và GPU?
Ép xung hay overclock thì mình nghĩ là mấy bạn dân công nghệ cũng biết nhiều rồi, vậy còn undervolt thì mấy bạn đã biết chưa? Sau đây là bài viết về undervolt và những vấn đề xoay quanh nó. Nếu mấy bạn có hứng thú thì chúng ta cùng tìm hiểu nha.
Undervolt về cơ bản là giảm điện áp
Cũng giống như bất kỳ linh kiện điện tử nào, CPU và GPU cần phải có dòng điện chạy qua thì nó mới làm việc được. Điện áp giống như là “áp suất” để ép dòng điện chạy qua chúng vậy.
Việc hạ điện áp và để CPU, GPU chạy với mức điện áp thấp hơn và ăn ít điện hơn mức mặc định được gọi là undervolt, trái ngược với overclock (ép xung). Mục đích của undervolt là để linh kiện chạy ở mức điện áp thấp nhất có thể nhưng vẫn không suy giảm hiệu năng.
Chúng ta undervolt vì trên lý thuyết thì phần cứng luôn dùng thừa điện
CPU và GPU được sản xuất bằng những công nghệ siêu chính xác mà chủ yếu là quang khắc. Tuy nhiên thì dù chính xác đến đâu đi nữa thì cũng không có còn CPU hay GPU nào hoàn toàn giống nhau cả. Có con thì cần mức điện áp X để hoạt động bình thường, có con cùi hơn lại cần mức điện áp >X mới hoạt động được.
Và để cho mấy con chip này có thông số kỹ thuật như nhau hết thì người ta cho nó ăn nhiều điện hơn mức nó thật sự cần. Nếu may mắn thì bạn sẽ tìm được một con CPU, GPU có thể hạ điện áp nhiều mà vẫn hoạt động tốt, xui thì chỉ hạ được ít ít thôi.
Undervolt khá hữu ích khi bạn cần hạ nhiệt phần cứng hoặc tăng thời lượng pin
CPU và GPU ăn càng nhiều điện thì càng nóng. Đôi khi CPU, GPU có thể nóng đến mức chúng phải tự hạ xung nhịp để tránh bị quá nhiệt. Việc cho chúng ăn ít điện hơn thông qua thủ thuật undervolt (hạ điện áp) có thể hạ nhiệt chúng đáng kể. Từ đó chúng có thể hoạt động ở mức xung cao hơn, ổn định hơn mà không cần bạn phải chỉnh sửa hay nâng cấp hệ thống tản nhiệt.
Undervolt rất hiệu quả với laptop vì đây là loại máy tính gần như không thể nâng cấp tản nhiệt. Và nếu muốn không nâng cấp tản nhiệt mà vẫn mát thì một trong những cách hiệu quả nhất là undervolt.
Ngoài ra thì việc hạ điện áp như thế cũng giúp cho CPU và GPU tiết kiệm điện hơn, từ đó có thể kéo dài thời gian sử dụng pin. Quạt của máy tính cũng sẽ đỡ ồn hơn do phần cứng mát hơn khiến chúng không cần phải quay quá nhanh để tản nhiệt.
Undervolt CPU thì vào BIOS/UEFI hoặc phần mềm, GPU thì chỉ có phần mềm
Có 2 cách để bạn undervolt CPU. Cách đầu tiên là bạn có thể vào BIOS hoặc UEFI để tùy chỉnh các thông số của CPU trong firmware. Còn cách thứ 2 là sử dụng các phần mềm như Intel Extreme Tuning Utility và ThrottleStop. Dùng phần mềm thì sẽ an toàn hơn và không bắt bạn khởi động lại máy sau mỗi lần thay đổi các mức thiết lập. Tuy nhiên nếu bạn đã tìm ra được một công thức vàng cho chiếc máy tính yêu dấu của mình thì có thể bạn sẽ muốn cài nó thẳng trong BIOS/UEFI luôn đấy.
Đối với GPU thì lựa chọn duy nhất của chúng ta là sử dụng phần mềm, điển hình là MSI Afterburner. Để undervolt thì bạn sẽ phải luôn bật phần mềm nhé. Nếu muốn tiện hơn thì có thể cho nó khởi động cùng Windows luôn.
Chỉ nên undervolt khi bạn biết rõ mình đang làm gì
Về rủi ro thì về cơ bản, khả năng bạn có thể làm hỏng phần cứng của mình bằng cách undervolt bằng không. Có thể khi ép xung thì bạn sẽ dễ làm phần cứng hỏng khi bắt nó ăn quá nhiều điện, nếu ngược lại bạn rút bớt điện thì nó sẽ vô hại với phần cứng.
Tuy nhiên, bạn vẫn có nguy cơ gặp tình trạng máy chạy không ổn định ở mức điện áp quá thấp, dẫn đến việc mất dữ liệu. Thế nên nếu đang làm việc thì bạn nhớ nên sao lưu dữ liệu cho an toàn rồi mới bắt tay vào vọc nhé.
Miễn là bạn biết cách cho bo mạch chủ “về zin” nếu nó không khởi động được (có thể tham khảo trong cuốn hướng dẫn sử dụng) hoặc biết cách boot vào Safe Mode thì chuyện undervolt nếu gặp lỗi cũng không có gì quá căng thẳng. Còn nếu bạn không rành về mấy vụ này thì tốt nhất là đừng thử nhé, vì nó lỗi thì khá là phiền bạn vác ra tiệm đấy.
Trên đây là bài viết về undervolt cùng những vấn đề cơ bản xoay quanh nó, mong rằng đã mang đến cho các bạn những thông tin thú vị. Cảm ơn các bạn vì đã quan tâm theo dõi và chúc các bạn một ngày tốt lành nhé.
Mời các bạn tham khảo thêm một số bộ hình nền liên quan tại GVN 360 như:
- Top 5 thủ thuật giúp PC mát mẻ quanh năm
- Nhiệt độ PC thế nào là nóng? Đây là câu trả lời cho bạn
- Tổng hợp 5 cách để giúp PC của bạn đỡ ồn vào đêm khuya
Nguồn: HowToGeek