Điểm mặt những điều phi lý trong game nhập vai - Sẽ ra sao nếu game nhập vai được làm y chang đời thực?
Cùng với sự tiến bộ thần tốc của công nghệ bán dẫn và công nghệ đồ họa, video game ngày càng trở nên chân thực hơn, xóa nhòa khoảng cách giữa thực và ảo, nhất là những tựa game nhập vai, nó khiến cho chúng ta hòa mình vào nhân vật một cách tự nhiên hơn, dễ dàng chìm đắm vào những câu chuyện, những chuyến phiêu của họ… Nhưng mà cho dù game có thật cỡ nào đi nữa thì chắc chắn nó cũng sẽ tồn tại rất nhiều điều phi lý không thực tế chút nào.
Vì sao ư? Mời anh em nghe mình chia sẻ những điểm phi lý sau đây. Nếu mà các nhà làm game muốn game thực tế nhất có thể thì chắc chắn phải giải quyết được chúng.
Chết là hết, đừng có mơ được hồi sinh
Chúng ta đã quá quen với việc được hồi sinh trong game và khái niệm “mạng” từ nhiều năm nay rồi. Cho dù là mấy con game không có “mạng” đi chăng nữa thì khi chết anh em cũng sẽ được khởi đầu lại từ điểm lưu gần nhất. Cho dù là mấy con game cục súc như Souls series của From Software cũng không ngoại lệ. Thế nên anh em chúng ta mới có thể thoải mái tung hoành ngang dọc cà khịa khắp nơi mà không phải sợ bất cứ thứ gì đấy, vì dù sao cũng “chỉ là chết” thôi mà, cùng lắm mất xíu đồ, vậy thôi.
Tuy nhiên nếu chúng ta thực tế hóa cái chuyện chết trong game thì anh em sẽ không còn thoải mái được như vậy đâu. Chết là hết, là mất toàn bộ công sức cày cuốc và chơi lại từ đầu nhé. Hiện tại thì vẫn có một số ít game áp dụng kiểu “chết” này như Darkest Dungeon, Valkyria Chronicles, Don’t Starve… Anh em nào chơi mấy con game này thì chắc là biết rồi đó, thắng thì cực phê mà thua thì siêu ức chế. Riêng đối với mấy con game siêu khó kiểu như thể loại Soul Like mà áp dụng chế độ “chết là hết” thì coi như khỏi bán được cho ai luôn. Mấy con game dễ chơi như The Witcher 3, GTA V chơi đôi khi còn chết lên chết xuống được mà.
Quên minimap đi, lật bản đồ “vật lý” mà xem nhé
Rất nhiều tựa game nhập vai hiện nay có giao diện tích hợp minimap giúp game thủ dễ dàng theo dõi hành trình của mình, luôn biết mình đang ở đâu trên bản đồ cũng như con đường để đi đến mục tiêu. Có thể nói minimap chính là một trong những yếu tố quan trọng nhất làm nên thế giới game nhập vai mà chúng ta vẫn biết ngày nay. Tuy nhiên minimap lại không hề thực tế một chút nào cả, nhất là trong mấy con game nhập vai lấy bối cảnh thời trung cổ hoặc thế giới fantasy – nơi không hề có sự tồn tại của thiết bị điện tử. Vì trên lý thuyết thì minimap chính là một hệ thống thiết bị định vị toàn cầu, như là GPS vậy.
Nếu mấy con game nhập vai lấy bối cảnh thời trung cổ hoặc thế giới fantasy mà giống như thực tế thì mỗi khi muốn biết mình ở đâu, anh em sẽ phải lôi bản đồ da hoặc giấy ra mà xem, vả lại nó cũng sẽ chẳng tự động đánh dấu vị trí hiện tại của người chơi đâu. Anh em muốn biết thì phải nhìn xung quanh rồi soi bản đồ. Nghe nó tù quá nhỉ? Nhưng mà thực tế thì nó phải vậy đấy!
Đừng có “ngứa tay” với NPC quan trọng, họ chết là mệt đấy
NPC là những nhân vật không chơi được trong game, họ có thể giao nhiệm vụ cho người chơi, tương tác với người chơi…, nói chung là các mối quan hệ trong đời thực của anh em quan trọng như thế nào thì NPC trong game cũng quan trọng như vậy. Thường thì anh em sẽ không thể giết NPC do nó có thể làm thay đổi mạch truyện, ví dụ có một ông pháp sư nào đó theo cốt truyện là sẽ trao cho anh em một phép thuật hay ho nào đó ở level X, tuy nhiên nếu vừa vào game mà anh em “ngứa tay” chém cho ổng một nhát làm ổng lăn quay ra chết thì có phải là rắc rối ta rồi không? Đối với mấy con game cho người chơi giết cả NPC như một số game của From Software và RockStar Games thì họ cũng sẽ hồi sinh lại khi anh em reloaded game hoặc load lại điểm save.
Tuy nhiên nếu NPC mà như thực tế thì họ sẽ chết luôn và không thể hồi sinh được. Thế nên khi game nhập vai mà làm y như trong thực tế thì anh em đừng có nghĩ đến chuyện táy máy tay chân với NPC nhé. Mấy ông chơi Dark Souls III thì biết rồi đấy, con bé Fire Keeper mà không hồi sinh được thì khỏi chơi nhé!
Đó là còn chưa kể đến anh em động tay nhầm với mấy NPC siêu mạnh, đến lúc đó thì lướt lên lại mà đọc đầu mục đầu tiên nhé: Chết là hết, đừng có mơ được hồi sinh
Không có UI hiển thị đạn dược hay vật phẩm đâu, tự lật túi ra mà đếm
UI (User Interface) Giao diện người dùng trong game luôn là cần thiết vì nó cung cấp những thông tin thiết yếu trong game, giúp game thủ dễ dàng theo dõi tình trạng nhân vật. Vậy nếu không có giao diện người dùng nhỉ?
Muốn biết súng còn bao nhiêu đạn thì phải nghe đếm tiếng súng rồi trừ cho cơ số đạn trong băng. Muốn biết mình còn bao nhiêu vật phẩm hồi máu, tăng dame thì lật túi ra mà đếm. Muốn biết tình trạng nhân vật như có trúng độc không, sắp chết chưa, chỉ số sức mạnh… thì phải đến bác sĩ mà khám. Còn mà muốn update đồ hay gì đó thì mình không biết, có lẽ là phải chờ mấy ý tưởng thiên tài của anh em rồi.
Nghe mệt thật nhỉ?
Cẩn thận khi đánh nhau nhé
Người đao nói “đao kiếm không có mắt mà” mà. Trong game anh em có thể chịu vài nhát chém rồi nốc máu vào một phát để nó hồi lên là xong. Ngoài đời thì vác dao chém nhau cẩn thận tàn phế như chơi. Nếu game mà y chang đời thật thì anh em sẽ gặp rất rất nhiều hạn chế kiến cho việc choảng nhau trở nên không vui vẻ một chút nào.
Đánh nhau lúc nào cũng phải cẩn thận, không được để bị chém trúng, nhân vật trong game cho dù không chết nhưng mất tay hay chân và không mọc lại được cũng không hề vui một chút nào. Trúng tên thì nó sẽ găm vào người và có thể gây nhiễm trùng, mưng mủ, uốn ván… Trúng đạn thì còn mệt hơn nữa. Nói chung là anh em đừng bao giờ đòi hỏi một cơ chế đánh nhau y như thật nhé, chẳng vui vẻ chút nào đâu!
Không có mấy bộ “giáp” nhìn như đồ lót cho mấy ông rửa mắt đâu
Đây có lẽ là một thứ có thể đem ra tranh luận, và nó xuất hiện trong nhiều loại hình media khác chứ không chỉ riêng gì trong game. Giáp của nhân vật nữ nhìn có khi còn chẳng khác gì áo tắm bikini. Trong khi giáp của nhân vật nam che chắn cơ thể bao nhiêu thì giáp của nhân vật nữ lại thường khoe da thịt bấy nhiêu. Chẳng hạn như Tyris Flare trong Golden Axe hay Shahdee trong Prince of Persia, gần đây hơn là Ivy trong Soul Calibur và Rachel trong Ninja Gaiden, tất cả đều rất ăn mặc rất mát mẻ và phóng khoáng, mặc cứ như là không mặc. Thay vì là nón đội đầu và giáp dày 10 phân thì dây, ren, và ruy-băng sẽ che lại những-chỗ-cần-che, còn những chỗ khác thì cứ để lộ thiên vậy thôi. Đó là còn chưa kể đến việc những “bộ giáp” này còn tăng chỉ số lên rất cao, khiến anh em tự hỏi rằng nếu nhân vật nam cũng mặc bộ giáp như vậy thì… à mà thôi, này là đi hơi xa rồi.
Nếu game mà làm y như thật thì mấy bộ đồ này nếu có xuất hiện trong game cũng sẽ nằm trong mục “thời trang” chứ chẳng bao giờ có thể đạt chỉ số như một bộ giáp thật sự cả. Đó là còn chưa kể đến việc trong một thế giới đầy hiểm nguy loạn lạc mà con gái dám ăn mặc mát mẻ bung lụa đi khắp nơi thì cũng không hợp lý chút nào, trừ khi người chơi muốn dùng nhân vật nữ đó để thu hút bọn đàn ông không đứng đắn vào đánh nhau.
Game thực tế thì nó không có pause nhé
Cái này thì rõ rồi. Thế giới thực là không có chuyện “ngưng đọng thời gian” đâu (trong hent*i thì thấy nhiều). Đối với mấy con game nhập vai online thì không pause được chứ chế độ campaign của mấy con game AAA thì hầu hết đều làm được vụ này. Chức năng pause góp phần làm giảm sự căng thẳng khi chơi game và khiến cho những giờ giải trí của chúng ta trở nên dễ chịu hơn rất nhiều.
Một số con game không có tính năng pause thường là những game rất hardcore và đòi hỏi sự tập trung cao độ nếu anh em không muốn chết và mất hết như chúng ta đã nói trên đầu bài. Game càng thực tế thì cái việc không có tính năng pause càng làm khó người chơi hơn. Đôi khi chỉ cần lơ là một chút, bỏ game đi vài phút thôi là một con quái bé nhỏ cũng có thể khiến công sức cày cuốc của anh em đổ sông đổ biển.
Quên cái balo “không đáy” đi
Thường thì balô của anh em sẽ chứa được những đồ vật có kích thước tương đối như laptop, tablet, máy ảnh, sách vở, chai nước; nhưng balo trong game RPG thì chẳng thua kém gì chiếc túi thần kì của Doraemon cả. Anh em có thể chứa cả một con gà, hai khẩu súng trường, 7 thanh kiếm, và cả 1 khẩu đại bác bazooka nếu cần. À, còn túi bên hông balo thì anh em có thể bỏ thêm một kho đạn dược, vài ba con gà, và vẫn còn đủ chỗ để chứa thêm những món đồ mà bạn loot được của kẻ địch.
Cứ cho là ngoài thực tế anh em có 1 chiếc balo bự tổ chảng để chứa những món đồ đó đi, nhưng rồi làm sao để vác nó đi từ đầu này sang đầu kia của bản đồ? Còn trong game, tuy balô vẫn chỉ chứa được một số lượng đồ nhất định, nhưng miễn trong balo còn slot là anh em muốn quăng gì vô cũng được; dù bé xíu như cây nấm hay là khổng lồ như quả tên lửa thì cũng đều nhét vừa balo, chẳng hề chi.
Tất nhiên, trong một số game như Skyrim vẫn có cơ chế không cho anh em mang đồ quá nặng, nếu làm vậy thì nhân vật sẽ di chuyển chậm chập hoặc là đứng lại hẳn luôn cho đến khi anh em bỏ bớt đồ ra cho nhẹ balô, nhưng nhìn chung thì nó vẫn còn rất phi thực tế. Thế nên quên chuyện mấy cái “không đáy” đi nhé, cỡ balo 3 trong PUBG đã là cái balo to nhất mà anh em có thể vác đi trong thực tế rồi.
Trên đây là những điều phi lý trong game nhập vai và sẽ ra sao nếu chúng được được làm y chang đời thực. Hy vọng anh em thấy thích.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
· Top 10 tựa game cực chất giá dưới 100.000 đồng trong Steam Winter Sale 2021
· Top 10 tựa game hẹn hò lý tưởng nhân dịp mùa đông về
· Top 10 tựa game cho bạn phiêu lưu giữa mùa đông tuyết trắng
· Top 10 game cấu hình nhẹ nhưng lại sở hữu đồ họa đỉnh cao
· Top 10 tựa game co-op cực hay để vui cùng bạn bè mà mọi cấu hình máy đều chiến tốt
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!