Top 10 tựa game khởi đầu bằng nỗi đau, trùm đầu cũng là trùm cuối
Cho trùm cuối xuất hiện ngay khúc đầu game là một motif cũ nhưng cực kỳ thú vị. Hắn có thể giả bộ thảo mai để tạo sự bất ngờ cho kết thúc, có thể đấm bạn sấp mặt bằng sức mạnh áp đảo để tạo động lực cho bạn vươn lên, hoặc cũng có thể chỉ đơn giản là nhảy tới nhảy lui cho bạn biết sự tồn tại của hắn. Tuy nhiên dù xuất hiện theo cách nào đi nữa thì mấy tên trùm cuối cùng luôn tạo cảm hứng dạt dào cho game thủ trên những chặng đường tiếp theo. Sau đây là top 10 tựa game cho bạn gặp boss cuối ngay trong đoạn mở đầu.
Cảnh báo: có spoiler!!!
Sekiro: Shadows Die Twice
Tương tự nhiều con game siêu khó của From Software như Demon’s Souls, Dark Souls và Bloodborne, Sekiro: Shadows Die Twice có màn “hướng dẫn tân thủ” cho bạn biết ngay lập tức là bạn có hợp với game này hay không (tức là nó hành bạn sấp mặt đấy, thấy không chịu được thì nghỉ game đi).
Vừa vào game là nhân vật chính, Sekiro đã gặp ngay cái tên khó chịu Ashina Genichiro, hắn ta chính là nguồn cơn của cả một câu chuyện dài mà bạn sẽ phải ăn hành sấp mặt phía sau. Tên cục súc này đã to con mà còn tấn công siêu dồn dập, đã cận chiến lại còn biết bắn cung… nói chung là cực kỳ khó chịu. Hắn gần như chắc chắn sẽ đập bạn ra bã nếu gặp lần đầu. Tuy nhiên cho dù bạn có là một game thủ cứng cựa với kỹ năng đủ cao để bật lại được hắn thì hắn cũng sẽ dùng tiểu xảo để chém mất 1 cánh tay của bạn, sẵn tiện bắt cóc luôn ấu chúa Kuro.
Đến khi bạn lết xác qua được bao nhiêu khó khăn trắc trở và mò được đến cuối game thì bạn sẽ được gặp lại hắn (lần thứ 3). Sau khi hạ được Genichiro thì bạn sẽ được diện kiến “kiếm thánh” Isshin – ông nội của hắn.
Nhiều người cho rằng vụ này không tính vì về mặt kỹ thuật thì lão “kiếm thánh – thương thánh – súng thánh” Isshin mới là trùm cuối. Tuy nhiên nếu để thua trong tay lão thì bạn sẽ lại phải vật nhau với Genichiro lần nữa. Thế nên theo lý mà nói thì Genichiro cũng có thể miễn cưỡng được tính như một tên “trùm nửa cuối”, vì dù sao thì hắn cũng là một phần trong trận đấu trùm mà.
The Legend Of Zelda: A Link Between Worlds
Phản diện của những tựa game The Legend Of Zelda thường không phải tên trùm cuối của toàn series – Ganon – mà là là những kẻ dành hầu hết thời gian để hồi sinh hắn ta. Con boss Yuga trong The Legend Of Zelda: A Link Between Worlds cũng vậy.
Người chơi sẽ gặp hắn ta một lần ngay trong cái dungeon đầu game – Eastern Palace. Đó là một trận đánh boss khá đơn giản vì tên này yếu như một con creep vậy, tuy nhiên cách nói chuyện của hắn thì lại thể hiện như hắn quan trọng hơn thế nhiều. Mà cũng đúng là vậy thật, vì hắn sẽ đợi bạn ở cuối game.
Lúc này thì Yuga đã hợp nhất với một phần được hồi sinh của Ganon làm hắn mạnh hơn rất nhiều, hơn tất cả những lần bạn gặp hắn trước đây, dễ dàng đập người chơi ra bã. Thế nên nếu có chơi con game này thì tốt nhất là bạn nên nâng skill bắn cung cho thật mạnh vào, lúc đó sẽ đỡ ăn hành hơn.
Redline
Với một số lượng khủng khiếp game bắn súng ra mắt trong thời PS1, không có gì đáng ngạc nhiên khi đa số chúng đều bị người ta lãng quên, chỉ trừ những người trải qua tuổi thơ hồi những năm 90 với chúng thì may ra còn nhớ mà thôi. Redline có nhiều yếu tố thuộc thể loại này, nó cũng chỉ được giới chuyên gia đánh giá ở mức trung bình nhưng được cái là gameplay rất độc đáo, kết hợp giữa bắn súng và đua xe, mang đến cho người chơi trải nghiệm cực kỳ phấn khích.
Game lấy bối cảnh hậu tận thế vào vào năm 2066, tương tự như Mad Max. Redline cho người chơi đụng trùm cuối Red Sixer ngay đầu game. Mặc dù bị bạn đánh bại nhưng hắn vẫn sẽ sống sót đến cuối game để chờ đợi cơ hội báo thù rửa hận. Tuy nhiên lần cuối sẽ khác lần đầu bạn gặp hắn là lần này hắn sẽ ngồi trong một cỗ xe thiết giáp to đùng, bá đạo và bay lơ lửng trên không.
Mặc dù bạn vẫn sẽ đánh bại hắn thôi nhưng lần này khác ở chỗ bạn sẽ đánh bại luôn cả chiếc xe thiết giáp của hắn nữa. Và điều đó sẽ cho bạn thấy rõ rằng mình đã mạnh lên thế nào, tiến bộ ra sao kể từ khi mọi thứ bắt đầu.
Undertale
Undertale là một tựa game giải đố cực kỳ sâu sắc, và mọi thứ trong game không phải lúc nào cũng như vẻ về ngoài của nó, điển hình là nhân vật Flowey the Flower, trong thì có vẻ vô hại nhưng nó lại là tên sát nhân tâm thần nguy hiểm nhất của tựa game.
Flowey là nhân vật bạn gặp đầu tiên trong game, nó chào đón bạn nồng nhiệt, sau đó bắt đầu giải thích cơ chế game cho bạn. Tuy nhiên nếu bạn tin vào vẻ bề ngoài vô hại và sự thảo mai của nó thì bạn đã bị dụ rồi đấy. Tất cả đầu chỉ nằm trong một âm mưu để đánh lừa bạn. Sau khi bạn không còn chút nghi ngờ nào nữa thì nó mới làm lộ rõ bản chất của thế giới trong Undertale – Giết hoặc bị giết.
Trong Neutral ending, nó sẽ biến thành một thực thể tà ác được gọi là Photoshop Flowey, đây là ending duy nhất mà bạn phải đối mặt với Flowey như một con trùm cuối và cũng là ending phổ biến nhất đối với những người mới chơi.
Final Fantasy
Chuyện con trùm cuối xuất hiện ngay từ lúc mở màn là một điều không quá xa lạ đối với series Final Fantasy. Nó có thể xuất hiện để “nhá hàng” cho game thủ biết cuối game sẽ có con trùm như thế nào, hoặc là cho bạn… “ăn hành” ngập mặt.
Điển hình là Final Fantasy (1987), mới vô game là bạn sẽ được choảng nhau với con trùm cực mạnh là Garland. Bạn vẫn có thể đánh bại tên hiệp sĩ này và mọi thứ có vẻ như đã yên bình trở lại. Tuy nhiên, đến gần cuối game, khi nhóm nhân vật chính quay ngược thời gian 2000 năm về trước thì phát hiện ra rằng Garland cũng trở về quá khứ giống họ, và còn đang sống nhăn răng. Chỉ khác một điều là hắn ta lúc này đã trở thành một con ác quỷ tên là Chaos.
Bây giờ thì motif này không quá khó để bắt gặp nữa, vì series Final Fantasy dù gì cũng đã tồn tại được hơn 30 năm rồi. Tuy nhiên, với những game thủ mới chơi Final Fantasy hồi năm 1987 thì kiểu gì họ cũng bị sốc khi thấy con trùm sau khi bị đánh bại đã trở lại với hình hài còn quái ác hơn và bá đạo hơn cả lần đầu.
Ninja Gaiden
Nếu bạn vẫn chưa chơi Ninja Gaiden (2004) nhưng có nghe nói đến game này thì ít nhiều cũng biết đây là một trò siêu khó. Tất nhiên, game siêu khó thì đi kèm theo đó là con trùm cũng “khó nuốt” không kém. Oái oăm ở chỗ là có mấy con đánh một lần chưa xong, phải đánh thêm một lần nữa mới chịu chết các bạn ạ.
Không cần nói đâu xa, ngay màn đầu tiên là bạn sẽ được điều khiển nhân vật chính Ryu Hayabusa chiến đấu vượt bao nguy khó trong pháo đài Shadow Clan. Một lúc sau thì Ryu Hayabusa đụng độ người chú bác của mình là Murai. Cả 2 đã có một màn “chào nhau” cho phải đạo, tuy nhiên thì nó không hề dễ dàng một chút nào các bạn ạ.
Về sau game thì bạn sẽ biết là Murai luôn theo dõi từng bước của Ryu. Và thông qua sức mạnh của thanh gươm Dark Dragon Blade, Murai đã biến thành một con trùm khổng lồ với sức mạnh vô song, khiến game thủ phải trầy da tróc vẩy mới có thể “về nước”.
Castlevania: Symphony Of The Night
Castlevania là một lâu đài của Bá tước Dracula. Vì thế cho nên trong Symphony Of The Night, bạn sẽ được đụng độ với tên này đến tận 2 lần. Cụ thể thì game mở đầu bằng phân cảnh kết game của phần trước – Rondo of Blood. Lúc này thì Richter Belmont đã đối đầu với Dracula ở trong căn phòng ngai vàng (throne room) và dường như đã đánh bại được kẻ địch của mình.
Tua nhanh đến 4 năm sau đó, và đây cũng là lúc cốt truyện của Symphony of the Night chính thức bắt đầu. Lúc này, con trai của Dracula là Alucard đã đi đến tòa lâu đài của cha mình để điều tra xem vì sao nó đột nhiên xuất hiện trở lại. Sẵn tiện, Alucard cũng đi tìm hiểu nguyên nhân vì sao Richter Belmont lại mất tích luôn.
Sau khi phát hiện ra rằng Richter bây giờ đang là một con rối cho người hầu của Dracula thì Alucard đã quyết tâm giải cứu anh ta, chiến đấu xông pha vượt qua những kẻ địch sừng sỏ trong tòa lâu đài Castlevania phiên bản đảo ngược. Đặc biệt, Dracula lúc này đã được hồi sinh và sẵn sàng choảng nhau với con trai mình một trận ra trò.
Sau khi đánh bại Dracula thì nhiều người cứ nghĩ phần tiếp theo sẽ dễ thở hơn. Ai dè nó không những khó gấp bội phần mà còn phải chạm mặt Dracula thêm lần nữa mới khổ.
Final Fantasy XIII-2
Đối với thể loại JRPG thì thường sẽ rất dễ nhận biết đâu là bạn đâu là thù, cho dù là đến cuối game họ mới xuất đầu lộ diện đi chăng nữa. Và Final Fantasy XIII-2 cũng không phải là ngoại lệ các bạn ạ. Caius Ballad là một đối thủ không đội trời chung của Lightning – nhân vật chính trong series Final Fantasy XIII – và cả 2 liên tiếp “trao đổi chiêu thức” với nhau tại Valhalla.
Game mở màn với cảnh Caius biến hình thành con rồng ác quỷ Chaos Bahamut, và trận chiến bắt đầu diễn ra với Lightning cưỡi trên lưng ngựa giao chiến, đồng thời game thủ cũng được hướng dẫn làm quen với cơ chế Active Time Battle trong Final Fantasy XIII-2 luôn.
Xuyên suốt game thì lâu lâu Caius lại xuất hiện và bạn phải tiếp tục chiến đấu với con trùm này, nhưng với lần xuất hiện cuối cùng thì hắn ta đã có một chút thay đổi. Đó là bạn phải chiến đấu qua 3 giai đoạn khác nhau: Chaos Bahamut, bản thân Caius, và thử thách cuối cùng là con Jet Bahamut khổng lồ.
Đôi lúc, bạn càng đánh bại một con trùm nhiều lần thì đến lần chạm trán cuối cùng, cảm giác chiến thắng sẽ còn được đẩy lên cao hơn nữa. Bật mí một chút là Caius vẫn chưa chết hẳn trong phần này mà hắn sẽ tiếp tục xuất hiện trong phần sau nữa.
InFAMOUS 2
Khi bạn là một người sở hữu siêu năng lực trong một thế giới toàn là người thường thì theo logic, nếu có một ai đó dám đối đầu với bạn thì ắt hẳn người đó cũng có siêu năng lực của riêng mình. Và trong trường hợp này thì “người” đó là một con quái vật khổng lồ được bao phủ bằng dung nham.
John White từng là một điệp viên chìm làm việc cho National Security Agency (Cơ quan an ninh quốc gia). Tuy nhiên, sau một biến cố thì anh ta được tái sinh thành “The Beast” với sức mạnh cực kì kinh khủng. Mục tiêu chính của tên này là nhân vật chính – Cole MacGrath – và ngay từ màn đầu là bạn đã có cơ hội được diện kiến The Beast, đánh nhau với hắn ta bằng tất cả sức bình sinh để không cho hắn tác oai tác quái nữa.
Dần dần, John White bắt đầu kiểm soát được bản thân, và đến khúc cuối thì có “nhã hứng” muốn liên minh với Cole. Tất nhiên, bạn hoàn toàn có thể đồng ý lời mời này nếu đi theo hướng Evil Karma gieo rắc nỗi kinh hoàng cho thành phố. Nhưng nếu bạn muốn làm người hùng thì phải ngăn chặn The Beast bằng mọi giá, giao chiến với hắn ta một trận long trời lở đất. Và nếu đi theo hướng này thì bạn sẽ phải gánh một số hệ lụy nhất định, cho nên nhớ cân nhắc nhé.
Duke Nukem Forever
Duke Nukem là một nhân vật vốn nổi tiếng rất bạo lực, thấy cái gì động đậy là bắn bay đầu ngay. Từ những tên lính lác tép riu cho đến kẻ địch đồ sộ cũng phải ngã quỵ trước họng súng của nhân vật chính. Dù vậy, game thủ vẫn không ít lần ngạc nhiên khi thấy một kẻ địch nào đó xuất hiện hết lần này đến lần khác trong game.
Con trùm đầu tiên mà Duke phải đối mặt là Cycloid Emperor. Ban đầu thì bạn có thể nghĩ đây chỉ là một thử thách nho nhỏ để tạo hưng phấn cho người chơi mà thôi, và với cây súng Devastator bá đạo trong tay thì kiểu gì Cycloid Emperor cũng sẽ ngã rạp trong vài nốt nhạc.
Nhưng lầm to các bạn ạ. Cycloid Emperor là nhân vật phản diện chính trong game, và nó sẽ sống cho đến tận cuối “chương trình”. Lúc đó thì bạn sẽ được tham gia một trận chiến còn máu lửa hơn gấp bội phần và “nhổ cỏ tận gốc” con Cycloid Emperor này luôn.
Mời các bạn tham khảo thêm một số thông tin liên quan tại GVN 360 như:
- Top 10 tựa game nhập vai hay nhất cho bạn đóng vai kẻ ác
- Top 10 kẻ ác sống dai quá nên hoá anh hùng trong game
- Top 8 kẻ phản bội từng là đồng đội kề vai sát cánh cùng game thủ qua đủ mọi thử thách
Nguồn: WhatCulture
Mời các bạn theo dõi fanpage của chúng mình theo đường link dưới đây để cập nhật những tin tức về game, công nghệ và nhiều thông tin thú vị khác nữa nhé!